UBND tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thông báo về việc 2 công ty thực hiện nạo vét, thông luồng trên sông Đồng Nai trong thời gian ngắn vừa qua đã bị phát hiện nhiều sai phạm. Theo đó, Công ty CP Hàng hải - Đầu tư phát triển Hiệp Phước và Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng đã cố tình nạo vét sông không đúng luồng và với độ sâu vượt mức cho phép (0,5-1,2 m). UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị Bộ GTVT xem xét, có biện pháp xử lý đối với 2 đơn vị này.
Vừa khai thác đã vi phạm
Theo ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, sau khi phát hiện 2 đơn vị vi phạm, tỉnh đã đề nghị dừng ngay việc nạo vét. Hiện tại, trên toàn tuyến hạ lưu sông Đồng Nai, mọi hoạt động nạo vét cát, thông luồng đều bị tạm ngưng.
Ông Thường cho biết trước đó, thực hiện chủ trương chung của Bộ GTVT, Đồng Nai đã đồng ý với dự án nạo vét sông, thông luồng tuyến đường thủy nội địa trên sông Đồng Nai của bộ này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phải cam kết việc nạo vét bảo đảm có hiệu quả, ổn định dòng chảy, được người dân ủng hộ. Thế nhưng, vừa bước vào hoạt động, 2 công ty nêu trên đã vi phạm.
“Hiện tất cả hoạt động thông luồng, khai thác cát trên sông Đồng Nai đều đã tạm ngưng - trừ một điểm còn được cấp phép khai thác ở thượng nguồn, sát với tỉnh Lâm Đồng - để rà soát lại. Bên cạnh đó, 2 đơn vị này cũng vừa hết giấy phép khai thác. Với dự án nạo vét, thông luồng tuyến thủy nội địa trên sông Đồng Nai của Bộ GTVT kéo dài 9 năm theo nhiều giai đoạn, trước mắt cứ tạm ngưng để tìm hướng xử lý, sau đó xem xét tiếp. UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Bộ GTVT và Bộ TN-MT đề nghị có biện pháp xử lý” - ông Thường khẳng định.
Không chỉ thực hiện dự án nạo vét sông, thông luồng trên sông Đồng Nai kéo dài nhiều năm vốn lập lờ với việc tận thu tài nguyên, Bộ GTVT còn nhăm nhe tiến đến cả lòng hồ Trị An, phía gần thượng nguồn. Cùng thời điểm, liên tục các dự án “nạo vét, thông luồng” của Bộ GTVT nhắm vào nhiều điểm có trữ lượng cát lớn trên sông Đồng Nai khiến dư luận không khỏi nghi ngờ. Hồ Trị An là nơi được xác định có trữ lượng cát lớn và mịn, đẹp của Nam Bộ. Lượng cát trên thị trường lại đang khan hiếm, giá cao nên đây là một nguồn lợi rất lớn.
Trước đó, Bộ GTVT có văn bản gửi các địa phương liên quan xin ý kiến về chủ trương “nạo vét luồng, bảo đảm giao thông kết hợp tận thu sản phẩm”. UBND tỉnh Đồng Nai đã thẳng thắn bác bỏ, không đồng ý với chủ trương này. Văn bản trả lời của UBND tỉnh Đồng Nai nêu rõ: Dự án mà Bộ GTVT đề nghị trùng với các dự án khai thác của tỉnh được cấp phép thời gian qua (gồm mỏ Trị An 1 và mỏ Trị An 2 do Công ty TNHH MTV Đồng Tân thực hiện). Bên cạnh đó, khu vực này cũng thuộc dự án đấu giá thí điểm quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Một điểm đáng lưu ý khác được tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh: “Thực tế, đoạn hồ Trị An không có phương tiện tàu bè lớn, chủ yếu là các ghe dân sinh, thuyền du lịch trên sông”. Vì vậy, nhiều người đặt vấn đề: Thực tế, địa bàn này có cần đến một dự án nạo vét, thông luồng quy mô như chủ trương của Bộ GTVT?
Đốc thúc 2 địa phương
Dù Đồng Nai đã phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình nạo vét, thông luồng của Công ty CP Hàng hải - Đầu tư phát triển Hiệp Phước và Công ty CP Đầu tư Khai thác cảng, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên vẫn có văn bản gửi TP HCM và Đồng Nai đốc thúc dự án này. Theo ông Viên, bình đồ do chủ đầu tư phối hợp với các cơ quan chức năng đo đạc cho thấy sông Đồng Nai còn nhiều vị trí khan cạn, không đủ độ sâu, độ rộng để đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn hoạt động giao thông thủy và tiêu thoát lũ, nhất là khu vực cù lao Basan.
Bộ GTVT cho biết đã có nhiều trường hợp tàu mắc cạn dẫn đến tai nạn hàng hải, hư hỏng phương tiện, ách tắc giao thông ở khu vực này. Do đó, bộ đề nghị TP HCM, Đồng Nai và các cơ quan liên quan tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án, chấp nhận cho chủ đầu tư đăng ký tận thu sản phẩm nạo vét 1 năm/lần. Riêng với phần dự án thuộc địa phận
TP HCM, ông Viên giao Cục Đường thủy nội địa chủ trì, phối hợp với chủ đầu tư mời các đơn vị liên quan khảo sát, đo đạc địa hình luồng tuyến, xác định đoạn cạn để báo cáo UBND TP và Bộ GTVT trước ngày 30-3 vừa qua.
Thông tin từ các cơ quan chức năng
TP HCM cho biết ngày 19-3, đoàn khảo sát do Cục Đường thủy nội địa chủ trì đã tiến hành đo đạc khu vực thực hiện dự án - đoạn từ cảng Long Bình đến rạch Ông Nhiêu. Tuy nhiên, việc đo đạc không thể tiến hành. Nguyên nhân, theo đánh giá của các thành viên đoàn khảo sát, là do bên tư vấn quá yếu, khi đến hiện trường vẫn không xác định được cột mốc chuẩn. Ngày 20-3, đoàn khảo sát tiếp tục đo đạc nhưng thay vì tiến hành với 300 mặt cắt như dự tính ban đầu, bên tư vấn chỉ đo được gần 100 mặt cắt nên các cơ quan chức năng của TP HCM tỏ ra lo ngại về độ chính xác của kết quả đo đạc...
Dân lo sạt lở
Liên quan đến các dự án nạo vét, thông luồng trên sông Đồng Nai thời gian qua, nhiều người dân TP HCM và tỉnh Đồng nai đã liên tục lên tiếng phản đối, cho rằng mục đích chính của việc này là chỉ để lấy cát.
“Cùng với nạn “cát tặc” hoành hành bao nhiêu năm nay không dẹp được, giờ lại có các hoạt động mang danh nạo vét, thông luồng ầm ĩ trên sông. Việc này sẽ gây thêm sạt lở, trôi hết vườn tược, đất đai, tài sản, nhà cửa của chúng tôi mà thôi…” - một người dân ngụ cạnh sông Đồng Nai - đoạn qua phường Bửu Long, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai - lo ngại.
Bình luận (0)