Với số tiền đó, người ta có thể tạo lập một căn nhà mới toanh với tiện nghi tương đối đầy đủ, đạt tiêu chuẩn cấp 4, cho một gia đình nhỏ có thể sống thoải mái, đàng hoàng.
Vấn đề là phải xác định tính chất của sự lãng phí này để có thái độ ứng xử cho phù hợp. Có thể đó là do sự hạn chế năng lực của chủ đầu tư, của nhà thầu chính hoặc của cả hai trong việc tính toán, nắm bắt thông tin giá cả vật tư, nhân công, dịch vụ và rốt cuộc bị động trước những đề nghị giao kèo bất lợi của nhà thầu con, nhà cung cấp. Nhưng cũng không loại trừ khả năng - cũng như đối với bao nhiêu công trình dựa vào đầu tư công - có người này, người nọ đã dùng thủ đoạn luồn lách qua những khe hở của luật pháp, cơ chế để thực hiện mục đích riêng.
Dù trong trường hợp nào, cần xác định trách nhiệm đối với sự tổn thất mà nhà nước, nghĩa là người dân, người đóng thuế đã phải gánh chịu từ những vụ lãng phí như thế. Luật lệ không thiếu ở điểm này: Lấy công làm tư là hành vi tham nhũng, phải bị chế tài về hình sự; cả sự yếu kém về năng lực quản trị, điều hành dẫn đến thất thoát cũng phải được đem ra xem xét và xử lý nghiêm về mặt hành chính hay kỷ luật, chứ không chỉ đơn giản là những bài học để rút kinh nghiệm.
Điều quan trọng là làm thế nào để những vụ việc tương tự không tái diễn, để xã hội và người dân không phải bức xúc, chạnh lòng về tình trạng vô trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng tài sản của nhân dân. Quốc hội đang thảo luận về việc sửa đổi Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Có thể coi vụ này là một trong những tình huống cần giải quyết trong khuôn khổ hoàn thiện luật.
Bình luận (0)