Mới đây, tỉnh Quảng Ngãi quyết định thu hồi gần 580 ha đất cấp cho “siêu dự án” nhà máy thép Guang Lian Dung Quất (Khu Kinh tế Dung Quất) do Công ty TNHH Guang Lian Steel làm chủ đầu tư. Dự án hoành tráng với 4,5 tỉ USD này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng ngàn hộ dân trong khu vực.
Khổ sở vì mất đất
Sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Quảng Ngãi, chúng tôi có mặt tại khu vực triển khai dự án. Sau 10 năm, cả khu đất rộng lớn như bãi chiến trường. Nhiều tài sản chưa được di dời, khối nhà văn phòng xây dựng dở dang bị xuống cấp, ngổn ngang cọc sắt công trường. Cách không xa những đống sắt gỉ mục là cuộc sống cơ cực của hàng trăm hộ dân các xã Bình Thuận, Bình Đông thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Siêu dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất sau 10 năm vẫn là bãi đất trống Ảnh: TỬ TRỰC
Kể từ khi nhường đất cho dự án, người dân ở đây chuyển về ở các khu tái định cư thiếu việc làm, thiếu đất sản xuất. Khoản tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo giá đất nông nghiệp chẳng đáng là bao không giúp người dân đầu tư tái tạo việc làm mà tiêu xài hết. Hằng ngày, họ phải bươn chải đủ mọi nghề kiếm sống. “Mang tiếng dự án lớn, động thổ rình rang nhưng bao năm qua vẫn là bãi đất bỏ hoang chỉ để thả bò” - ông Nguyễn Thành (ngụ thôn Tân Hy, xã Bình Đông) bày tỏ.
Theo ông Thành, từ khi bị thu hồi đất (năm 2006) phục vụ cho dự án, ông cùng hàng trăm hộ dân ở xã Bình Đông phải chuyển về sống lay lắt trong các khu tái định cư. Ông Thành than thở: “Vì đất đai sản xuất trước đây đã bị thu hồi hết rồi nên từ khi về các khu tái định cư không có đất để canh tác, bà con chỉ ngồi ở nhà nhìn ra, người còn khỏe đi làm hồ kiếm sống qua ngày. Bản thân tôi thì đi làm bảo vệ cho một công ty, lương chỉ ba cọc ba đồng… Thấy đất bỏ hoang, bà con cũng vác cuốc ra làm nhưng họ nhất định không cho… Cũng may còn nơi để… thả bò”.
Ông Nguyễn Thanh Vũ, Chủ tịch UBND xã Bình Đông, cho biết để nhường đất cho dự án, riêng xã Bình Đông đã có hơn 300 hộ dân bị ảnh hưởng. “Chủ đầu tư lấy đất rồi bỏ đấy không triển khai, khiến chục năm nay người dân không có đất sản xuất, cuộc sống vô cùng khó khăn. Đa phần người dân bây giờ đi làm công nhân, làm phụ hồ kiếm sống qua ngày” - ông Vũ nói.
Dự án nhà máy thép Guang Lian Dung Quất chỉ là một trong số hơn 20 dự án chậm triển khai bị tỉnh Quảng Ngãi buộc phải thu hồi, tính từ năm 2014 đến nay. Ngoài số này còn khá nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng chủ đầu tư không triển khai.
Tha phương kiếm sống
Tình trạng chủ đầu tư chây ì triển khai dự án sau cấp phép cũng xảy ra khá phổ biến ở Quảng Nam, tác động tiêu cực đến cuộc sống người dân.
Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2016, UBND tỉnh Quảng Nam đã cấp phép 14 dự án đầu tư nội địa với tổng vốn đăng ký hơn 1.265 tỉ đồng và cấp giấy phép đầu tư cho 7 dự án FDI với vốn đăng ký gần 100 triệu USD. Cũng trong thời gian này, 7 dự án không bảo đảm tiến độ đã bị thu hồi giấy phép đầu tư, trong đó có 3 dự án FDI.
Việc các dự án không triển khai hoặc triển khai dang dở khiến người dân tái định cư càng thêm khó khăn. Điển hình, tại xã Bình Định Bắc (huyện Thăng Bình), vào năm 2009, UBND huyện giao 4,3 ha đất tại thôn Bình An (xã Bình Định Bắc) cho Công ty CP Phú Minh đầu tư xây dựng nhà máy gạch tuynel. Tuy nhiên, chủ đầu tư cứ lần lữa không triển khai nên mới đây UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định thu hồi. Theo người dân địa phương, vào thời điểm nhà nước thu hồi đất bàn giao cho dự án, 17 hộ dân đang trồng trọt canh tác trên diện tích này chỉ được đền bù từ 2.000-15.000 đồng cho một cây keo hoặc bạch đàn. Tính ra, hộ nhận nhiều nhất chỉ chừng 42 triệu đồng, còn ít thì vài trăm ngàn đồng. Số tiền bồi thường này không giúp người dân cải thiện cuộc sống. “Vì địa phương ít đất sản xuất nên người dân không còn cách nào khác phải đi làm thuê, làm phụ hồ để kiếm sống” - ông Trà Tấn Túc, Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc, cho biết.
Thời gian qua, nhiều dự án lớn có mức đầu tư lên tới cả ngàn tỉ đồng ở Thanh Hóa những tưởng sẽ mở ra cơ hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương nhưng đổi lại là sự thất vọng ê chề.
Một trong số đó là dự án cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc - Thanh Hóa (đóng trên 2 xã Đại Lộc và Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Dự án được cấp phép đầu tư xây dựng từ năm 2010 với tổng mức đầu tư 1.360 tỉ đồng; diện tích đất sử dụng khoảng 92,3 ha; quy mô sản xuất và lắp ráp 15.000 xe tải/năm, 400 xe buýt/năm, 75.000 tấn phụ tùng ô tô/năm.
Để dự án được triển khai, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt giải tỏa lấy đất cho dự án. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, năm 2012, nhà máy bị “chết yểu”. Mất đất làm ruộng, hàng trăm công nhân còn mất cả việc ở nhà máy, phải bỏ xứ đi làm ăn. Ông Ngọ Văn Trị (ngụ thôn Phú Lộc, xã Đại Lộc) buồn bã nói: “Sau khi nhường đất cho dự án, tôi đã dùng số tiền đền bù làm nhà trọ cho công nhân. Nhưng rồi nhà máy đóng cửa, công nhân bỏ đi hết, nhà trọ thành nhà hoang”.
Dự án ngàn tỉ... hứa hão
UBND tỉnh Thanh Hóa vừa có văn bản gửi Công ty CP Đầu tư và Thương mại Thăng Long bàn việc giải quyết dự án Nhà máy Xi măng Thanh Sơn (xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc). Dự án có tổng vốn đầu tư 1.500 tỉ đồng, khởi công từ tháng 12-2007 nhưng đến nay vẫn chỉ là một bãi đất trống. Để có dự án này, hàng trăm hộ dân phải di dời nơi khác nhường 40 ha, trong đó có 36 ha đất lúa, cho chủ đầu tư. Họ được chủ đầu tư hứa tạo công ăn việc làm. Gần 300 thanh niên xã Thúy Sơn còn được đưa đi đào tạo để về phục vụ nhà máy. Kết cục là nhà máy không có, người dân mất đất, mất luôn việc làm.
Kỳ tới: Trả giá quá đắt
Bình luận (0)