Được kỳ vọng sẽ trở thành chốn “bồng lai tiên cảnh” phía Nam tỉnh Quảng Bình nhưng sau hơn 8 năm đầu tư ì ạch, dự án khu nghỉ dưỡng suối nước nóng Bang (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) rơi vào cảnh “đắp chiếu”, xuống cấp thậm tệ. UBND tỉnh Quảng Bình vừa ký quyết định thu hồi 212.870 m2 đất thuộc dự án do Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương (trụ sở tại TP HCM) làm chủ đầu tư này do thực hiện chậm tiến độ hơn 24 tháng.
Rước nhầm nhà đầu tư
Mỏ nước khoáng nóng suối Bang là nguồn tài nguyên quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho tỉnh Quảng Bình. Đến khu vực này lúc nguyên dạng, du khách cảm giác như lạc vào chốn thần tiên với những nét đẹp hoang sơ kỳ diệu của núi rừng. Để phát huy tiềm năng hiếm có này, tỉnh Quảng Bình kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư với kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho địa phương.
Dự án thi công bầy hầy khiến suối Bang bị ô nhiễm môi trường và một hạng mục công trình bỏ hoang tại đâyẢnh: Minh Tuấn
Kết quả là năm 2008, UBND tỉnh Quảng Bình chấp thuận cho Công ty Đông Dương đầu tư dự án trên diện tích 22 ha. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 200 tỉ đồng. Để được lựa chọn, chủ đầu tư cam kết sẽ xây dựng suối nước nóng Bang thành một khu nghỉ dưỡng hiện đại với nhiều hạng mục khách sạn, sân golf, khu vui chơi, khu spa và nhiều công trình khác. Doanh nghiệp này còn mạnh miệng tuyên bố giai đoạn 1 hoàn thành vào năm 2011, giai đoạn 2 sẽ xin cấp thêm 300 ha đất rừng tự nhiên xung quanh.
Thế nhưng, 8 năm qua, kể từ khi được cấp phép đầu tư, Công ty Đông Dương chỉ thực hiện được một số hạng mục nhỏ lẻ và các công trình phụ trợ rồi để hoang hóa đến nay. Cũng ngần ấy thời gian, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra nhiều văn bản đôn đốc nhưng công ty này vẫn “án binh bất động”. Vì dự án quá trễ tiến độ sau khi giao đất thực địa, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - ông Hoàng Đăng Quang - yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan thu hồi đất, buộc Công ty Đông Dương phải bàn giao bản gốc các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất thực địa cho tỉnh trước ngày 30-9.
Tỉnh Quảng Bình đã trả cái giá quá đắt khi chọn nhầm chủ đầu tư bởi điều mà Công ty Đông Dương “làm được” cho suối Bang đến thời điểm này là hàng chục hecta rừng tự nhiên bị xâm hại nghiêm trọng, môi trường suối khoáng quý bị tàn phá.
Trở lại suối khoáng Bang trong những ngày này, nhiều người dân địa phương cũng như du khách không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh vật hoang phế. Đường dẫn vào suối khoáng Bang bùn đất lầy lội, ngổn ngang; nhiều khu nhà cũ kỹ, xập xệ. Không chỉ tàn phá cảnh quan, trong quá trình thi công dự án, Công ty Đông Dương còn lấp nhiều lỗ phun nước tự nhiên ở suối Bang khiến chúng bị tắc nghẽn.
“Bí ẩn” dự án làng hành hương
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang ngậm đắng nuốt cay vì chọn nhầm chủ đầu tư.
Năm 2006, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định cấp phép cho Công ty TNHH Du lịch Thương mại Á Đông thực hiện dự án khu du lịch “bí ẩn làng hành hương” trên diện tích 50 ha ở xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc. Theo kế hoạch, dự án có vốn đầu tư 150 tỉ đồng với các hạng mục được xây dựng như nhà hàng, khách sạn, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng. Dự án dự kiến khởi công năm 2007 và đến năm 2009 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, 10 năm qua, dự án vẫn giậm chân tại chỗ, chưa triển khai xây dựng bất cứ hạng mục nào.
Ông Phan Thế Phúng, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, cho biết người dân địa phương hết sức phấn khởi khi dự án được cấp phép. Xã cũng kỳ vọng người dân sẽ có việc làm ổn định, kinh tế vùng quê sẽ khởi sắc. Vì vậy, khi dự án du lịch này được phê duyệt, UBND xã Lộc Bình đã rốt ráo vận động gần 20 hộ dân (70 người) địa phương nhường trên 50 ha đất, chủ yếu là đất rừng, cho chủ đầu tư và ai cũng đồng tình. “Vậy nhưng, giờ nhà đầu tư chẳng thấy làm gì, đất của dân thu hồi rồi cũng “treo” đó. Dân chẳng có đất canh tác nên cuộc sống trở nên khốn khó” - ông Phúng bất bình.
Sau gần một thập kỷ án binh bất động, trước bức xúc của người dân, tháng 5-2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có quyết định thu hồi dự án này. Tuy nhiên, đến bây giờ, người dân vẫn bị hệ lụy bởi dự án treo quá lâu. Ông Nguyễn Văn Mừng (ngụ thôn Hải Phú, xã Lộc Bình) nhớ lại vào năm 2008, phía chủ đầu tư dự án có về đo đạc, kiểm kê 2 ha rừng của gia đình nhưng đợi mãi vẫn không thấy áp giá đền bù. Cũng vì đất rừng nằm trong vùng quy hoạch nên sau khi thu hoạch rừng trồng, ông Mừng đành bỏ trống, gây lãng phí lớn.
Ngoài các hộ dân giao đất bị ảnh hưởng thì nhiều hộ dân khác sống ở thôn Hải Bình trong gần 10 năm qua đành phải sống trong những căn nhà xập xệ. Họ muốn sửa chữa, xây mới nhưng không được vì nằm trong phạm vi dự án. Ông Nguyễn Xoa (ngụ thôn Hải Bình) bức xúc: “Căn nhà của chúng tôi đã xây dựng hơn 30 năm, lâu nay xuống cấp cũng không dám sửa. Gần 10 năm đợi chờ dự án đúng là quãng thời gian quá dài với chúng tôi”.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-9
Kỳ tới: Trầy trật thu hồi
Hết kinh phí đền bù thu hồi đất
Cùng với dự án khu du lịch “bí ẩn làng hành hương”, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang lúng túng xử lý hàng loạt dự án treo tại các “khu đất vàng” ở trung tâm TP Huế. Ông Phan Thiên Định, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng để thu hồi các dự án này, tỉnh phải bỏ ra 130-170 tỉ đồng đền bù lại khoản tiền đấu giá đất cho chủ đầu tư. Trong khi đó, tiền thu từ thuế đất đai của tỉnh này mỗi năm chỉ khoảng 40-50 tỉ đồng, phải chi cho nhiều khoản khác nên không đủ kinh phí.
Bình luận (0)