xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lay lắt những phận đời

Bài và ảnh: Như Phú

Điều tra mới đây của Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đồng Nai cho biết có ít nhất 100 trẻ em đã trở thành nạn nhân của chất độc da cam/dioxin từ sân bay Biên Hòa

Em Nguyễn Khoa Bảo, 12 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, TP Biên Hòa - Đồng Nai có gương mặt khá khôi ngô nhưng không đi được, không nói được, đói cũng không biết đòi ăn. Vì thế, em trở thành gánh nặng và nỗi mặc cảm của bố mẹ. Thế rồi, bố mẹ em chia tay nhau. Mẹ Bảo đi bước nữa, sinh con bình thường nhưng bố lấy vợ khác thì lại sinh con bị dị tật giống như em. Ngày trước, bố và ông nội Bảo sống ở phường Tân Tiến tiếp giáp vành đai sân bay Biên Hòa. Họ uống nước và tắm ao hồ trong sân bay này.
 
img
Em Hồ Quang Thái, 16 tuổi, đã đi học 2 năm mà nay vẫn chưa rành mặt chữ

Hai thế hệ nhiễm độc

Mới đây, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Đồng Nai (VAVA Đồng Nai) rà soát số lượng trẻ (dưới 18 tuổi) có biểu hiện mắc bệnh liên quan đến chất độc da cam ở các phường, xã  tiếp giáp vành đai sân bay Biên Hòa thuộc TP Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Thường trực VAVA Đồng Nai, cho biết chưa kể hàng loạt trường hợp trước kia sống gần sân bay nay đã di dời, hiện có ít nhất 100 trẻ ở Đồng Nai bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Điều trùng hợp là tất cả bố mẹ hoặc ông bà của các em ngày trước đều từng vào sân bay Biên Hòa tắm ao, bắt cá, bới sắt vụn… Đây là nguyên nhân khiến họ bị nhiễm độc.

Một trong những nạn nhân của sân bay Biên Hòa là em Lê Hữu Nghị, 17 tuổi, xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Hôm chúng tôi đến, Nghị nằm chơ vơ trên nền nhà, cố ngóng cổ lên nhìn rồi cười vô hồn. “Nó cứ vậy đấy, không nói năng gì. Đói cũng chẳng đòi ăn, nhiều khi bỏ cơm cả tuần” - chị Nguyễn Thị Kim Yến, mẹ Nghị, rưng rưng nước mắt kể. Dù đã sang tuổi 40 với hơn 10 năm làm công nhân nhưng chị Yến vẫn còn đẹp mặn mà.
 
Chị kể: Hồi năm 15 - 16 tuổi, chị thường theo người trong làng lén vào sân bay Biên Hòa đào phế liệu. Lúc đó, dân làng rủ nhau vào đó đào phế liệu rất đông, có lúc hơn 100 người cùng đi. Lập gia đình xong, chị tiếp tục cùng chồng đi đào phế liệu. Năm 23 tuổi, chị mang bầu (em Lê Hữu Nghị) nhưng vẫn còn vào sân bay mưu sinh. “Lúc đó không có khẩu trang mà đeo, chân cũng không mang dép, cứ thế mà chui vào các hầm hố trong sân bay, nhiều chỗ ao nước có mùi, nổi màng tôi cũng lội qua; gặp chỗ nước trong thì vốc uống, chẳng kể gì” - chị Yến nhớ lại. Chị lơ mơ biết rằng mình nhiễm độc từ sân bay Biên Hòa khi sinh đứa con thứ hai là bé Lê Hữu Tài. “Lúc mới chào đời, đầu thằng Tài dài bất thường, kỳ lắm. Nó đỡ hơn thằng anh nhưng cũng lơ ngơ, học hành tệ lắm” - chị Yến cho biết.
img
Em Lê Hữu Nghị trở thành nạn nhân da cam do ngày trước mẹ em (bên trái) thường vào sân bay Biên Hòa đào phế liệu
 
Tương lai mịt mờ

Suốt 2 năm qua, ông Hồ Minh Quang, 52 tuổi, hiện sống trong căn nhà tuềnh toàng ở phường Hòa Bình, TP Biên Hòa, ngày ngày đạp xích lô chở con trai qua các đường phố rồi cõng con vào lớp học tình thương. Ấy vậy mà con ông, em Hồ Quang Thái, 16 tuổi, nay vẫn chưa biết mặt chữ, con số. Đôi chân teo tóp, đôi tay co quắp và cái cổ cứng đơ cùng nụ cười dài dại của Thái là hậu quả của chất độc từ sân bay Biên Hòa. Theo ông Quang, thời niên thiếu, ông thường vào hồ trong sân bay tắm rồi bắt cá nướng ăn. Ông buồn rầu nói: “Nản quá, chắc thằng Thái chẳng có tương lai!”.

Vợ ông Quang, bà Vũ Thị Kim Ý, ngày trước sống ở phường Tam Hiệp (sát vành đai sân bay) cũng uống nước nhiễm độc và ngửi hóa chất bốc ra từ sân bay. Hiện sức khỏe bà Ý đã yếu nên chỉ làm việc nhà, gánh nặng mưu sinh dồn lên đôi chân đạp chiếc xích lô của chồng.
Mong ước lớn nhất của những bậc cha mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam/dioxin không phải là con cái học giỏi, thành tài mà đơn giản chỉ là mong sao kéo dài được sự sống của con. Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh kể bà từng chứng kiến nhiều em nhiễm chất độc da cam ra đi bất ngờ, rất thương tâm. Có em năm trước còn mừng vui, rạng rỡ vì được học ở một trường dạy nghề, tưởng sau này có thể tự nuôi sống mình, nào ngờ năm sau mãi mãi từ biệt cõi đời. Tội nghiệp nhất là gia đình bà Đào Thị Kiều, gần sân bay Biên Hòa, thuộc xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Bà Kiều sinh 8 con thì 7 đứa bị nhiễm độc, đến nay 6 con đã mất. “Đứa mới lọt lòng 17 ngày đã chết, đứa được 7 tháng rưỡi, đứa 19 tháng, đứa 37 tuổi…” - bà Kiều kể chậm rãi, uất nghẹn.
 
Dioxin - Tác nhân nhiều loại bệnh

Theo Nhóm đối thoại Việt - Mỹ về chất độc ca cam/dioxin, dioxin có liên quan đến các loại bệnh ung thư, tiểu đường, tim mạch và thần kinh đối với những người bị phơi nhiễm trực tiếp hoặc gián tiếp; có thể gây bệnh nứt đốt sống ở thế hệ con cháu của họ.

Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ước tính đến nay, có đến 3 triệu người ở nước ta phải chịu các dị tật bẩm sinh và dị tật phát triển hoặc bị ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe do chất độc mà phía Mỹ rải xuống. Riêng VAVA Đồng Nai cho biết tỉnh này có hơn 13.000 nạn nhân da cam, trong đó gần 5.000 người từng tham gia kháng chiến, hơn 8.000 người là dân thường.

Kỳ tới: Thờ ơ với độc chất
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo