xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhức nhối sân bay “da cam”

Đoàn Như Phú

50 năm trước, từ các sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), máy bay của Mỹ đưa dioxin rải khắp miền Nam. Đến tận bây giờ, chất độc vẫn còn nồng nặc trong các sân bay, tàn phá sức khỏe và cuộc sống của bao con người ở gần đó

“Vào vùng nhiễm độc trong sân bay này thì đừng tính chuyện sinh con nữa, coi chừng dị tật”. Một nhà khoa học trong đoàn khảo sát sân bay Biên Hòa nói như vậy, tôi nghe mà sợ, định rút lui. Nhưng một đồng nghiệp đi cùng bảo: “Nếu lần này không vào thì sẽ khó có cơ hội khác để biết về vùng đất da cam này”, tôi quyết theo đoàn.

Đợt khảo sát nói trên diễn ra vào đầu tháng 4-2011 do Nhóm đối thoại Việt - Mỹ dẫn đầu. Nhóm này gồm 10 công dân uy tín, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách tiếng tăm của cả hai nước.

Vào vùng cực độc

Sân bay Biên Hòa lâu nay không được sử dụng, các bức tường vây xung quanh kín bưng. Rất ít người được phép ra vào đây. Vừa bước vào sân bay, chúng tôi được trang bị bao chân, bao trùm đầu, khẩu trang chống độc... Sân bay có 3 vùng cực độc gồm khu Z1 (đã khoanh vùng chôn lấp chất độc), khu Nam và Tây Nam (rộng 20 ha, mới phát hiện, chưa xử  lý). Z1 rộng hơn 4 ha, trước kia là nơi quân đội Mỹ lưu chứa, đóng nạp chất da cam. Hàm lượng dioxin tồn lưu trong đất ở đây cao gấp hàng ngàn lần ngưỡng an toàn, có mẫu đất nhiễm dioxin ở mức 35.900 ppt, trong khi chỉ cần vài ppt đã có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Từ năm 2006 đến tháng 12-2010, ở khu này, bộ đội hóa học của ta đã tiến hành chôn cô lập khoảng 100.000 m3 đất bị nhiễm độc trên diện tích 4,3 ha. Mặc dù trên tầng đất nhiễm độc là lớp bê tông dày, trên cùng là đất sạch nhưng ở Z1, cỏ cây úa đen, chết hàng loạt. “Có phải cỏ cây chết là do dioxin?” - tôi hỏi. “Có thể như vậy” - GS Võ Quý, một chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về hậu quả chất da cam/dioxin, trả lời.
img
Phóng viên Báo Người Lao Động vào vùng cực độc ở sân bay Biên Hòa. Cỏ cây trong vùng nhiễm dioxin này khô héo. Ảnh: TRÚC LY

Đến khu Nam, tiến sĩ - đại tá Trần Thế Tâm, người am tường tình trạng nhiễm độc ở sân bay Biên Hòa, cảnh báo cả đoàn: “Đừng tiến vào sâu, trong đó hóa chất còn phảng phất nhiều lắm. Ngày trước, đây là nơi trẻ con hay đá bóng, nhiều em hít phải chất độc ngất xỉu tại chỗ”. Nặng nhất là khu Tây Nam của sân bay. Tới đây, ai nấy đều nhăn mặt vì mùi hóa chất xông lên cay sè. Tiến sĩ - đại tá Trần Thế Tâm bịt mũi và ra hiệu mọi người dừng lại, nói: “Khu này trước kia là đường băng. Khi rút quân, toàn bộ hóa chất quân đội Mỹ đã tập trung ở đây để hủy hoặc mang đi phi tang”.

Mặc dù bị dính độc chất khoảng 50 năm qua nhưng gần đây khu Tây Nam mới được xác định là cực độc khi phía Mỹ tiết lộ những “tọa độ đầu độc”, hiện khu này đang được phía Việt Nam tiếp tục khảo sát mức độ ô nhiễm để xử lý. Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam Đồng Nai (VAVA Đồng Nai), điều tra ban đầu cho thấy nhiều vị trí trong khu này mức độ ô nhiễm từ 2.853 ppt đến 28.600 ppt.

Sống chung với tử thần

Không chỉ trong sân bay Biên Hòa mới nhiễm dioxin, đáng lo là loại độc chất có thể gây ung thư và dị tật này đang lan tràn ra vùng phụ cận của sân bay và lấn sâu vào tâm TP Biên Hòa. Ít nhất 3 hồ nước trong sân bay gần khu cực độc Z1 và hồ Biên Hùng (nằm giữa lòng TP Biên Hòa) đã được xác định là đã nhiễm độc do nước mưa mang theo dioxin từ sân bay Biên Hòa trôi ra rồi tích tụ trong lòng hồ.
Dioxin còn đang thẩm thấu qua thực phẩm để vào cơ thể người. Qua phân tích một số mẫu thực phẩm lấy từ chợ Biên Hòa, hồ Biên Hùng và sân bay Biên Hòa, các nhà khoa học kết luận hàm lượng dioxin trong ngan, vịt, gà, cá lóc, cá trắm, cóc… rất cao. Chẳng hạn, trong khi nồng độ dioxin trong thực phẩm thường dưới 0,1 ppt thì trong mỡ của cá lóc bắt ở hồ Biên Hùng lên đến 15.349 ppt!

Thông qua thực phẩm, dioxin ngấm vào máu người. Kết quả nghiên cứu cho biết khoảng 95% số mẫu máu lấy từ 43 người dân ở TP Biên Hòa có nồng độ dioxin cao trên 5 ppt, thậm chí có mẫu lên tới 413 ppt, trong khi nồng độ này trong máu người dân miền Bắc chỉ dưới 2 ppt!

Gần đây, cơ quan chức năng treo bảng “cấm câu cá” ở hồ Biên Hùng. Tuy nhiên, đêm đêm, bên mặt hồ tuyệt đẹp này, các đôi nam nữ vẫn thản nhiên tình tự, rất ít người trong số họ biết rằng lòng hồ đã nhiễm dioxin.

Theo các nhà khoa học, nhiều khả năng mức tiêu thụ dioxin hằng ngày của người dân Biên Hòa vượt xa mức tiêu thụ chấp nhận được theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Thế nhưng, người dân nơi đây gần như không biết gì về thảm kịch đang rình rập họ. Một cuộc điều tra do PGS-TS Lê Vũ Anh, Trường ĐH Y tế Cộng đồng Hà Nội, thực hiện ở TP Biên Hòa cho thấy chỉ 1,8% người được cho biết dioxin có thể tồn tại trong đất, nước, không khí và thực phẩm; chỉ 3,3% người biết chất độc này có thể xâm nhập qua cả 3 đường là da, hô hấp và ăn uống.

Tàn phá từ thế hệ này sang thế hệ khác

Từ năm 1961 - 1971, đã có khoảng 80 triệu lít hóa chất độc hại, trong đó 61% là chất da cam, chứa 366 kg dioxin rải xuống khoảng 17% diện tích toàn miền Nam Việt Nam. Hiện Việt Nam có 28 điểm nóng về ô nhiễm dioxin ở các cấp độ khác nhau. Nhiễm nặng nhất là sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát. Đa số các chuyến bay rải chất độc đều xuất phát từ những sân bay này. Số lượng các loại chất diệt cỏ không sử dụng hết được thu lại để ở các sân bay nói trên sau năm 1971.

Theo Nhóm đối thoại Việt - Mỹ, các phân tích gần đây khẳng định mức độ dioxin trong đất, lớp trầm tích trong nước và trong cơ thể loài cá ở khu vực sân bay Đà Nẵng cao gấp 300 - 400 lần giới hạn quốc tế. Các thử nghiệm ở sữa mẹ và mẫu máu của những người từng sống gần khu vực này cho thấy hàm lượng dioxin trong cơ thể họ cao nhất từ trước đến nay ở người Việt Nam, nhiều hơn 100 lần giới hạn quốc tế. Nói cách khác, sự tàn phá còn tiếp diễn đến ngày nay và tàn phá từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Kỳ tới: Lay lắt những phận đời

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo