Các cơ quan đóng góp ý kiến cho nghi lễ tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội - Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ VH-TT-DL
Ngày 7-7, tại trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã chủ trì cuộc họp với đại diện Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tòa án nhân dân Tối cao… lấy ý kiến về nghi lễ tuyên thệ nhậm chức của các chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho hay, sau khi Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo Bộ VH-TT-DL làm cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan khác để hoàn thiện nghi thức tuyên thệ với các chức danh của Nhà nước, Bộ này đã họp 2 phiên để đề xuất nghi thức tuyên thệ.
Tại cuộc họp, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đã báo cáo về hình thức và nội dung lễ tuyên thệ ở một số nước trên thế giới, nghi lễ tuyên thệ nhậm chức tại Việt Nam qua các thời kỳ. Đồng thời, đề xuất các nội dung liên quan đến nghi lễ tuyên thệ như các chức danh thực hiện nghi lễ tuyên thệ; địa điểm; thời gian; trang trí, đại biểu dự lễ; trang phục người tuyên thệ; trình tự tiến hành; nghi thức tuyên thệ; nhạc lễ; người điều hành buổi lễ tuyên thệ... Đại diện các cơ quan đã đóng góp nhiều ý kiến về nghi thức tuyên thệ nhậm chức. Sau buổi họp này, các ý kiến sẽ được tổng hợp, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội đầu tiên, Quốc hội khóa XIV.
Điều 70 Hiến pháp và Điều 8 Luật tổ chức Quốc hội quy định: Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã thực hiện nghi lễ tuyên thệ trước Quốc hội.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV tới đây (diễn ra từ 20 đến 29-7), 4 chức danh trên sẽ tuyên thệ sau khi được bầu giữ chức vụ trong nhiệm kỳ mới.
Bình luận (0)