Sau khi Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên bố bế mạc kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII tại hội trường sáng ngày 12-4, Văn phòng QH đã tổ chức họp báo về kết quả kỳ họp.
Buổi họp báo được chủ trì bởi ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm văn phòng QH cùng 2 Phó tổng Thư ký QH là ông Lê Minh Thông và ông Nguyễn Hữu Toàn. Hàng trăm phóng viên trong và ngoài nước đã tham dự buổi họp báo này.
Ông Lê Minh Thông đã có báo cáo về kết quả kỳ họp. Theo đó, QH đã xem xét, thông qua 7 luật; Nghị quyết phê chuẩn Công hàm Thoả thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ.
“Việc QH ban hành các luật này tiếp tục thể chế hoá chủ trương của Đảng, cụ thể hoá các quy định mới của Hiến pháp, góp phần hoàn thành cơ bản chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của toàn khoá XIII, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, quyền công dân, quyền trẻ em, quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận, tăng cường công tác quản lý thuế, thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích đầu tư phát triển kinh doanh sản xuất, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”- báo cáo nêu rõ.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao được bầu đã tuyên thệ theo quy định của Hiến pháp 2013, thể hiện mạnh mẽ và khắc ghi trong tâm lời hứa tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Phóng viên Báo Người Lao Động đặt câu hỏi: Trong QH khoá XIII vừa qua có 4 người tự ứng cử, đến nay vừa kết thúc QH khoá XIII, ông đánh giá thế nào về chất lượng của đại biểu (ĐB) QH tự ứng cử? Việc ĐB tự ứng cử trong khoá XIII chủ yếu là doanh nhân, ông có suy nghĩ như thế nào về thành phần, cơ cấu ĐB QH khoá XIV?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, chúng ta chưa có đánh giá nào về ĐB QH tự ứng cử khoá XIII, hiện chỉ có đánh giá chung chứ không phân biệt ĐB tự ứng cử và ĐB tổ chức giới thiệu. “Vừa qua có 2 ĐB nữ bị bãi miễn, đó là điều đáng tiếc. Nhưng trong nhiệm kỳ QH vừa qua chúng tôi thấy các ĐB QH tự ứng cử phát biểu, đóng góp rất nhiệt tình chứ không có khác biệt gì. Các ĐB khi tự ứng cử đã qua rất nhiều vòng để ứng cử, được người dân tín nhiệm”- ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét.
Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong đợt bầu cử ĐB QH khoá XIV có rất nhiều ứng cử viên ứng cử tự do, điều này rất tốt vì các ĐB thấy vị thế của QH và muốn tham gia vào diễn đàn này. QH không có cơ cấu phải bao nhiêu phần trăm phải ứng cử. Hiện nay số ứng cử rất đông, riêng Hà Nội trong vòng 2 đã có khoảng 48 người. Tất cả sẽ theo đúng quy định về bầu cử.
Liên quan tới việc ứng cử ĐBQH, trả lời câu hỏi về việc trong thời gian qua có rất nhiều người tự ứng cử đưa thông tin lên mạng xã hội có được phép không? Ông Nguyễn Hạnh Phúc đánh giá: “Mạng cá nhân của người ta thì người ta tự đưa lên, không có kiểm soát việc này. Chúng ta đang trong quá trình hiệp thương, chưa biết ai được vào danh sách. Còn khi vào vòng hiệp thương thì phải theo quy định để đảm bảo công bằng”.
Đối với phản ánh về một số nơi tiếp xúc cử tri “cấm cửa” với báo chí, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định: Luật Báo chí không có điều này, không cấm đoán việc đưa tin tiếp xúc cử tri.
Trước câu hỏi cho rằng việc tuyên thệ nhậm chức của các vị lãnh đạo trong kỳ họp rất trang trọng, tôn nghiêm và xúc động. Tuy nhiên, khi lễ tuyên thệ diễn ra xúc động, trang trọng thì ĐB QH giơ iPhone, iPad lên chụp hình tương đối phản cảm. QH có thấy nó không trang trọng, tôn nghiêm không? Có nên rút kinh nghiệm trong lần tiếp theo?
Ông Nguyễn Hạnh Phúc ghi nhận và giải thích: “Có phóng viên nói tại sao ĐB QH không đứng lên. Ở quốc tế thì có nơi đứng, có nơi ngồi, không có quy định nào bắt buộc. Trong lễ tuyên thệ, ĐB cũng rất muốn có hình ảnh kỷ niệm như thế, cũng muốn ghi lại dấu ấn. QH tiếp thu và sẽ nghiên cứu tiếp thu cho kỳ sau”.
Bình luận (0)