Sáng 23-8, Thành ủy TP HCM đã nghe báo cáo chuyên đề về đánh giá sức cạnh tranh của TP và gợi ý định hướng chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn năm 2045.
Năng lực cạnh tranh còn thấp
Đại diện nhóm tác giả nghiên cứu về sức cạnh tranh của TP HCM, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình Chính sách công thuộc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết trên cơ sở so sánh với 12 TP hàng đầu trong khu vực là Tokyo, Hồng Kông, Singapore, Seoul, Bắc Kinh, Thượng Hải, Đài Bắc, Kuala Lumpur, Bangkok, Mumbai, Jakarta, Manila và các địa phương trong cả nước thì TP HCM có vị trí vượt trội so với trong nước nhưng lại thấp nhất trong 12 TP trên.
Cụ thể về các yếu tố cạnh tranh, ông Du cho rằng TP HCM gần như ở vị trí thấp nhất trong tất cả các nhóm thành phần. Những nhóm có khoảng cách rất xa là hiệu lực của thể chế, tham gia về mặt chính trị, các hoạt động kinh doanh, sức hấp dẫn, trao đổi thông tin, sự phát triển của hệ thống tài chính, đặc điểm văn hóa - xã hội và bất bình đẳng. Chỉ có một vài nhóm chỉ tiêu gồm sức mạnh kinh tế, môi trường sống và điểm PISA (Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế) của TP HCM là cao hơn một vài nơi.
“Đáng nói là vị trí địa lý, quy mô dân số và diện tích cũng như lịch sử hình thành không nhiều khác biệt nhưng TP HCM có vị trí rất thấp” - ông Du nhìn nhận. Một điều đáng suy ngẫm hơn nữa là khoảng cách của TP HCM so với các đô thị khác là rất xa.
Theo ông Du, nếu nhìn một cách lạc quan thì cần hơn 20 năm nữa, quy mô nền kinh tế và các điều kiện khác của TP HCM mới có thể bằng Bangkok - TP mà cách đây 40 năm có mức phát triển được cho là tương đương TP HCM.
Trong phối hợp, ngoài cạnh tranh
Để cải thiện khả năng cạnh tranh của TP HCM, nhóm nghiên cứu cho rằng một trong những yếu tố là TP phải thực hiện bằng được liên kết vùng. Ông Du phân tích: “Đối thủ cạnh tranh của TP HCM hiện nay không phải là các địa phương trong nước, càng không phải địa phương trong vùng mà là các TP lớn trong khu vực. Các địa phương lân cận là nền tảng rất tốt để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực và tiềm năng nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của TP HCM. Do vậy, liên kết vùng là việc cần làm ngay.
Với vị thế của mình, TP HCM nên khởi xướng và tiên phong như điều đã xảy ra trong giai đoạn 1975-1985. Cách làm này cũng phát huy được sở trường của TP HCM là khả năng tạo ra sự đột phá và triển khai những cái mới”.
Đồng tình giải pháp liên kết vùng, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TP HCM, nhìn nhận đây là món nợ vì sự phối hợp giữa các địa phương trong vùng đôi khi không đúng như sự mong đợi.
“Liên kết vùng của TP HCM trong thời gian qua chưa thành công, thậm chí có những thất bại bởi sự phát triển của các địa phương khác. Các địa phương khác cũng muốn vươn lên để so sánh với TP HCM nên có những cái không chấp nhận sự liên kết hoặc có khi cản trở sự phát triển của TP. Như vậy, giải pháp nào giải quyết vấn đề này, chúng ta không đòi hỏi ở nhóm nghiên cứu nhưng nêu ra đây để cho lãnh đạo TP HCM cùng suy nghĩ” - ông Ngân nói.
PSG-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP HCM, đề nghị các địa phương cần thay đổi tư duy theo khái niệm “trong nước phối hợp, ngoài nước mới cạnh tranh”. Nêu một thực tế là lâu nay các tỉnh, thành đang cạnh tranh nội bộ với nhau mặc dù nói vùng kinh tế Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, ông Bình cho rằng cần cạnh tranh với Campuchia, Singapore; còn trong nước thì phải liên kết lại.
“Chúng ta phải nhìn thấy quyền lợi quốc gia chứ đừng gói gọn ở lợi ích địa phương. Vì vậy, phải đổi mới tư duy mặc dù không dễ” - ông Bình nhấn mạnh. Đề cập vai trò của TP HCM trong liên kết vùng, ông Bình kỳ vọng TP phải thể hiện tư duy vùng và chấp nhận hy sinh cho vùng ở vị trí người anh cả. “Các tỉnh hay hỏi khi tham gia liên kết vùng thì được lợi gì? Họ mang tâm lý liên kết vùng sẽ bị lấy hết mà không được quyền lợi gì. Liên kết vùng phải đôi bên cùng có lợi thì mới thu hút” - ông Bình nêu thực tế.
PSG-TS Phan Thanh Bình cũng cảnh báo một vấn đề là TP HCM muốn cạnh tranh với các đô thị trong khu vực thì phải đặt trong thời cơ, thách thức. “TP HCM chạy thì họ cũng chạy, coi chừng chúng ta sẽ đuổi mãi theo sau lưng họ. Xuất phát điểm chúng ta sau, muốn cạnh tranh thì gia tốc phải nhanh hơn họ. Thế thì gia tốc muốn tăng lên như thế nào, có thể tạo ra gia tốc này không khi nền kinh tế TP HCM đã chậm hơn 20 năm?” - ông Bình đặt vấn đề.
Cảm nhận người dân là thước đo quan trọng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Võ Văn Thưởng đánh giá nhóm nghiên cứu cho một lượng kiến thức rất cao và có hệ thống so sánh khoa học cùng nhiều điểm mới. “Rất mừng đây là sự chia sẻ, đồng cảm, gợi mở nhiều vấn đề của nhóm nghiên cứu dành cho lãnh đạo TP” - ông Thưởng cho hay.
Theo ông Thưởng, làm thế nào để TP HCM phát triển xứng đáng với tiềm năng là câu hỏi mà lãnh đạo TP luôn đặt ra. Cảm nhận của người dân đối với sự điều hành của chính quyền là rất quan trọng mà lãnh đạo TP HCM không thể bỏ qua. Đây chính là thước đo quan trọng đánh giá hiệu quả lãnh đạo.
Ông Thưởng khẳng định: “Chúng ta tranh luận những thước đo khác có thể chưa khoa học, chưa chính xác nhưng thước đo cảm nhận của người dân là điều chắc chắn, không phải bàn cãi. Cảm nhận của người dân đối với chính quyền rất quan trọng khi chúng ta đã xác định ngoài lợi ích của dân thì không còn lợi ích nào khác”.
Bình luận (0)