ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Đoàn Đại biểu QH Thái Nguyên hỏi về trách nhiệm của Bộ Công an đối với việc ông Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng Hải Việt Nam bỏ trốn trước khi công an thi hành lệnh bắt tạm giam.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang
Trả lời, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, khi phát hiện ông Dũng và một số cá nhân có dấu hiệu phạm tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng, Cơ quan CSĐT đã báo cáo cho các ngành liên quan để thi hành lệnh khám xét và bắt giữ đối với ông Dũng. Và sau khi lệnh bắt được thông qua, lực lượng công an lập tức triển khai nhanh, chỉ sau đó và chục phút. Tuy nhiên, ông Dũng đã bỏ trốn. Sau đó, phía cơ quan điều tra cũng đã yêu cầu gia đình vận động ông Dũng ra đầu thú nhưng không có kết quả.
Qua vụ việc này, Bộ công an cũng đã chỉ đạo CQĐT điều tra làm rõ có bị lộ thông tin trước khi thi hành lệnh bắt ông Dương Chí Dũng hay không; đồng thời đó, kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc ông Dũng bỏ trốn trước khi thi hành lệnh khám xét và bắt tạm giam một phần là do quy định của pháp luật còn hạn chế. Hiện tại, đối với tội phạm ma túy và xâm phạm an ninh quốc gia thì luật cho phép áp dụng các biện pháp ngăn chặn cần thiết trong quá trình điều tra cũng như cho phép điều tra bí mật để tránh đối tượng bỏ trốn.
Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị QH xem xét sửa luật, áp dụng quy định trên đối với loại tội phạm tham nhũng nhằm tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Liên quan đến ông Dương Chí Dũng, ĐB Đỗ Mạnh Hùng, tỉnh Thái Nguyên đề cập đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng trong việc bổ nhiệm cán bộ. Theo ông Hùng, trước đó, ông đã nhận được trả lời bằng văn bản của Bộ trưởng Thăng dài 5,5 trang giấy nhưng trong đó chỉ có 1,5 trang đề cập đến vấn đề trên, nội dung chỉ là rút kinh nghiệm chung chung là chưa cung cấp kịp thời thông tin cho báo chí.
Trả lời vấn đề trên, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là hoàn toàn đúng và đầy đủ các thủ tục về quản lý cán bộ; bảo đảm tính dân chủ, tập thể, được sự thống nhất tuyệt đối của toàn cơ quan; việc bổ nhiệm này cũng không trái với luật thanh tra...
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, ông Dũng bị khởi tố vì những sai phạm từ năm 2007, vì vậy trách nhiệm trước hết là của tập thể cán bộ Bộ Giao thông Vận tải.
Về vấn đề bổ nhiệm, Bộ trưởng Đinh La Thăng nói: “Tôi xin rút kinh nghiệm sâu sắc và kiểm điểm nghiêm túc do chưa chặt chẽ trong đánh giá và quản lý cán bộ”, .
Bộ trưởng cũng kiến nghị đối với những vụ việc tương tự cần có sự phối hợp trao đổi thông tin giữa các cơ quan, ban ngành liên quan. Ngoài ra, cần bổ sung quy định trong khi tổ chức thanh tra một đơn vị thì không được điều động, bổ nhiệm cán bộ trong đơn vị đó. Qua đó tránh trường hợp, dù điều động, bổ nhiệm đúng quy trình nhưng sau một thời gian ngắn lại phát hiện sai phạm.
Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời chất vấn vào chiều 14-6
Trong phiên chất vấn chiều 14-6, các đại biểu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề tội phạm ngày càng gia tăng về số lượng cũng như mức độ. Đặc biệt đó là sự gia tăng tội phạm ở tuổi vị thành niên, chống người thi hành công vụ, tội phạm công nghệ cao...
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, tình hình tội phạm ở nước ta trong 6 tháng đầu năm 2012 giảm 2.57% so với cùng kỳ năm 2011. So với một số nước trong khu vực và trên thế giới, tình hình tội phạm ở nước ta chỉ ở mức trung bình. Bộ trưởng dẫn chứng, ở nước ta, về tỉ lệ thì có 5,6 vụ án/100.000 dân. Trong khi đó, tỉ lệ này là 11,5 ở Thái Lan, 20,3 ở Nhật Bản và 39,5% ở Hoa Kỳ.
Bộ trưởng cũng thừa nhận các vụ án do người chưa thành niên thực hiện ngày càng gia tăng và nguyên nhân chính là do đạo đức xã hội xuống cấp, trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục đúng mức từ gia đình, nhà trường và cả xã hội. Ngoài ra còn bị ảnh hưởng xấu bởi internet.
ĐB Nguyễn Thị Khá, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đặt câu hỏi vấn đề nhiều người nước ngoài dùng hộ chiếu du lịch đến Việt Nam để hoạt động thương mạitranh giành thu mua nông sản giá cao nhưng sau đó lại ghi nợ và bỏ trốn ép giá hoặc bỏ đi gây khốn đốn cho nhân dân.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng cho biết bộ công an có nắm, đã và đang chỉ đạo công an các địa phương (miền Tây Nam Bộ) tập trung rà soát các đối tượng và xử lý nghiêm.
Bộ trưởng cũng nói thêm, các đối tượng này hoạt động chủ yếu dựa vào sự cả tin của nông dân; chủ yếu trục lợi cá nhân chứ chưa có biểu hiện lũng đoạn thị trường, phá hoại kinh tế.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, tỉnh Thái Nguyên
Vấn đề lực lượng công an tham gia các vụ cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã gây những tác động trong xã hội và gây bức xúc cho một bộ phận nhân dân được ĐB Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đặt ra trong phiên chất vấn.
Giải thích vấn đề này, Bộ trưởng Trần Đại Quang khẳng định, lực lượng công an tham gia trong các buổi cưỡng chế với nhiệm vụ là bảo vệ an ninh trật tự ở đó chứ không phải là lực lượng cưỡng chế. Việc tham gia này nhằm mục đích phòng ngừa và ngăn chặn những cá nhân có hành vi gây rối hoặc chống người thi hành công vụ.
Bộ trưởng cũng thừa nhận những vụ cưỡng chế thu hồi đất vừa qua có sự tham gia của lực lượng công an gây dư luận chưa tốt trong xã hội. Tuy nhiên, sắp tới, Bộ cũng tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an làm tốt hơn nhiệm vụ được giao và rút kinh nghiệm để tránh những sai sót không đáng có.
Trong thời gian qua, tình trạng tiêu cực xảy tra trong lực lượng công an, cụ thể là lực lượng CSGT xảy ra ngày càng nhiều gây bức xúc trong dư luận, mất niềm tin của nhân dân. Vấn đề này cũng được nhiều ĐB đưa ra chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an.
Nhận định vấn đề này, Bộ trưởng Trần Đại Quang cho rằng tuyệt đại bộ phận CSGT là tốt, không nhận hối lộ nhưng có 1 bộ phận không nhỏ đã vi phạm, đòi hối lộ. Để hạn chế tình trạng này, theo Bộ trưởng cần có sự hỗ trợ từ xã hội. Bộ trưởng đề nghị cử tri cả nước tích cực cung cấp thông tin CSGT đòi mãi lộ để góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ trong ngành.
Đại biểu Đỗ Văn Dương, TPHCM đặt câu hỏi: Thời gian qua, nhiều người khỏe mạnh bình thường, tuy nhiên khi bị công an bắt đưa vào nhà tạm giữ thì tử vong. Lý do tại sao và trách nhiệm của ngành công an?
Bộ trưởng khẳng định, vụ việc trên là có và bộ đều có chỉ đạo điều tra xử lý những cá nhân có liên quan. Tuy nhiên, những trường hợp đó hầu hết là có bệnh lý từ trước khi vào trại. Bộ Công an cũng chỉ đạo cơ quan công an các địa phương tổ chức kiểm tra sức khỏe kỹ càng trước khi đưa vào nhà tạm giữ để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra.
Cũng theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, thời gian qua có trên 10 trường hợp chết trong trại giam nhưng trong có chỉ có 1-2 trường hợp là các phạm nhân gây gổ, đánh nhau dẫn đến chết người; còn lại hầu hết do mắc bệnh hiểm nghèo.
Bộ trưởng dẫn chứng, hiện tại có đến 10% tội phạm nhiễm HIV và mắc bệnh hiểm nghèo trước khi vào trại. Vì vậy, nguy cơ các đối tượng này chết tại trại giam là rất cao.
Liên quan đến công tác thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc, ĐB Phạm Xuân Thường, tỉnh Thái Bình cho rằng việc chậm áp dụng quy định này gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho các phạm nhân. ĐB này yêu cầu bộ trưởng giải thích nguyên nhân cũng như thời điểm nào sẽ áp dụng hình thức thi hành án này.
Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, hiện trên cả nước đã có 5 trung tâm thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc; công tác tập huấn cho các cán bộ cũng đã hoàn thành. Hiện tại, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Bộ Y tế xem xét vấn đề nhập thuốc dùng để thi hành án. Nếu công tác nhập thuốc quá khó khăn thì sẽ nghiên cứu để tự sản xuất trong nước.
Bình luận (0)