Ông thứ trưởng Bộ VH-TT-DL vừa gặp mặt báo chí ngày 5-6 thì chỉ 1 ngày sau, cấp dưới trực tiếp của ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng lại tổ chức… họp báo. Hai cuộc gặp liên tiếp với đại diện giới truyền thông của 2 quan chức cùng chỉ để giải thích, trần tình, thanh minh và cả nhận lỗi cùng một sự việc. Đó là công văn của Bộ VH-TT-DL gửi Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, đề nghị xử lý ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, liên quan đến phát ngôn của ông tại buổi tọa đàm ngày 30-5 về quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà.
Tại cuộc tọa đàm này, ông Vinh đã phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ, nêu rõ quan điểm kiên quyết giữ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà - nơi mà ông cho là "lá phổi xanh" của Đà Nẵng.
Công văn trên ngay sau khi được ban hành ngày 2-6, đã lập tức gây xôn xao và bất bình trong dư luận. Bên cạnh việc cho rằng công văn của bộ có dấu hiệu lạm quyền, dư luận cũng bức xúc trước việc cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VH-TT-DL tìm cách xử lý người đã có những phát ngôn "trái chiều" trong một cuộc tọa đàm - nơi mà lẽ ra phải khuyến khích mọi ý kiến khác nhau và cùng tranh luận nhằm tìm ra giải pháp tối ưu.
Đã thất vọng với văn bản của Bộ VH-TT-DL, dư luận lại càng thất vọng hơn trước việc 2 ông thứ trưởng và tổng cục trưởng nối tiếp nhau "đăng đàn" giải thích về việc rút lại văn bản mới ký chưa ráo mực. Cả hai ông đều đã đưa đưa ra những lý do giải thích, thanh minh nhưng xem ra không mấy thuyết phục. Dù các vị lãnh đạo bộ và tổng cục cùng lên tiếng nhận lỗi và nhận trách nhiệm nhưng còn để ngỏ việc nhận trách nhiệm đó như thế nào và sẽ hành động ra sao.
Từ văn bản đề nghị xử lý người có phát ngôn bảo vệ nguyên trạng bán đảo Sơn Trà đến hành xử sau đó của những quan chức Bộ VH-TT-DL khiến dư luận thêm lo lắng cho tương lai của bán đảo Sơn Trà. Với sự việc không phức tạp này mà những người giữ trọng trách cốt cán quản lý nhà nước về du lịch còn xử lý gây thất vọng thì họ làm sao làm tốt được việc quan trọng và phức tạp hơn gấp bội là giải bài toán khó bảo tồn và phát triển đối với nơi được xem là lá phổi xanh của TP đang nỗ lực hướng tới là "nơi đáng sống".
Những khoảng rừng xanh ở bán đảo Sơn Trà đã bị chặt bỏ để thay vào đó hàng loạt nền móng bê tông cốt thép, rồi đề nghị xử lý người có ý kiến muốn bảo tồn nguyên trạng và xử lý đáng thất vọng sau đó khiến chúng ta càng bất an và có dự cảm xấu về tương lai bán đảo Sơn Trà.
Bình luận (0)