Thời gian gần đây, “lô cốt” của dự án vệ sinh môi trường TPHCM lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè tiếp tục “mọc” lên trong khu vực nội thành khiến tình trạng kẹt xe diễn ra triền miên. Trong lần xuất hiện trở lại này, hầu hết “lô cốt” đều án ngữ ở những vị trí… nhạy cảm và hiểm hóc.
Nhọc nhằn di chuyển
Đầu tiên là “lô cốt” tại giao lộ Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng (quận 1 - TPHCM). Không quá lời khi giao lộ được gọi bằng danh hiệu “thiên hạ đệ nhất kẹt” sau khi “lô cốt” lại mọc lên ở vị trí này.
Vào giờ cao điểm sáng - chiều, hàng đoàn xe nối đuôi nhau “bò” qua giao lộ bé xíu này. Mặc dù có lực lượng CSGT điều động tại khu vực trên nhưng tình trạng ùn ứ bắt đầu từ cầu Điện Biên Phủ, lan sang đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đinh Tiên Hoàng và chính thức… chết cứng tại giao lộ Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng.
Muốn né “lô cốt” tại đây, người dân chọn đi đường Xô Viết Nghệ Tĩnh để vào trung tâm TP nhưng lại đụng phải “lô cốt” ngay chân cầu Thị Nghè, cũng mới “mọc” lên.
Như vậy, từ vòng xoay Hàng Xanh, muốn đi vào trung tâm TP theo hướng đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hoặc Võ Thị Sáu, người dân chạy trời cũng không khỏi… “lô cốt”!
“Lô cốt” trên đường Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng gây kẹt xe nghiêm trọng. Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, giao lộ Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám cũng ùn ứ khá nghiêm trọng vì “lô cốt” mọc lên tại đây trong một tháng qua. Đây cũng là giao lộ có lưu lượng xe cộ lớn nên khi “lô cốt” án ngữ ngay ngã tư, kẹt xe là không thể tránh khỏi.
Trao đổi về chuyện “lô cốt” bất ngờ “mọc” lại trong thời gian gần đây, ông Phan Châu Thuận, Giám đốc Ban Quản lý dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cho biết đó là những lý do bất khả kháng.
Trước đây, dự án đã đào trên đường Võ Thị Sáu nhưng không tiến xuống giao lộ Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng vì Sở GTVT không đồng ý phân luồng giao thông do thời điểm đó đường Đinh Tiên Hoàng cũng có “lô cốt”, sẽ gây kẹt xe nghiêm trọng.
Ông Thuận cũng cho biết chỉ còn vài mét cống cần phải lắp đặt tại vị trí Điện Biên Phủ - Cách Mạng Tháng Tám và cầu Thị Nghè nhưng đó đều là những vị trí “khó nhằn” và cần phải được xử lý sau cùng.
Chấm dứt “đào bới” cuối năm nay
Theo ông Phan Châu Thuận, trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục đào ở một số vị trí “nhạy cảm”. Cụ thể, sau khi hoàn tất lắp đặt cống tại giao lộ Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng, nhà thầu sẽ tiếp tục đào đường Đinh Tiên Hoàng (từ Trần Quang Khải đến cầu Bông). tiếp đó “lô cốt” sẽ di chuyển đến đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh).
“Chúng tôi rất lo ngại khi đào đường Bùi Hữu Nghĩa vì giao thông khu vực này phức tạp, nền đất rất yếu, có thể phải thay nhà thầu khác để bảo đảm chất lượng” - ông Thuận nói.
Một vị trí phức tạp không kém sắp bị… đào bới là khu vực ngã tư Phú Nhuận. Dự kiến, trong tháng 6-2011, khu vực này sẽ có hai “lô cốt” mọc lên: một nằm trên đường Phan Đình Phùng và một nằm ngay đường sắt trên đường Nguyễn Kiệm.
Chắc chắn, tình hình giao thông ở hai vị trí trên cũng sẽ trở nên căng thẳng và nghẹt thở không kém khi “lô cốt” kéo về.
Theo tiến độ mới nhất của dự án, hiện vẫn còn 4 gói thầu lắp đặt cống thoát nước trên đường và 2 phụ lục hợp đồng với khoảng 6.200 m cống tiếp tục được thi công đến cuối năm nay.
Ông Thuận nói khó khăn đang nằm ở gói thầu số 10 D (gia cố mố cầu, đóng cừ) và gói thầu số 7 (tuyến cống bao, thiết bị tách dòng và miệng xả ngầm).
Cụ thể, khi nhà thầu tiến hành gia cố các cầu bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, giao thông ở tuyến đường ven kênh này sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, nhà thầu phải thi công từng bên một, dành cho xe cộ lưu thông bên còn lại.
Tính đến nay, gói thầu số 7 đã hoàn thành được 96%, chỉ còn lại một số ít hạng mục nhỏ. Trong đó, quan trọng nhất là việc kích cống bao từ giếng S29 sang giếng S28 với độ dài gần 400 m.
Phía dưới lòng đất ở đoạn đường này đang có khoảng 10 sợi cáp điện, trong đó một sợi nằm trên đường đi của robot kích cống. Để di dời hết 10 sợi cáp này, Tổng Công ty Điện lực TPHCM phải mất đến 3 tháng.
Vì vậy, Sở GTVT vừa đồng ý với phương án của Tổng Công ty Điện lực TPHCM đưa ra, treo tạm cọng cáp “cản đường” lên thành cầu Điện Biên Phủ. Như vậy, tính cả thời gian xử lý cáp điện lẫn việc kích cống ngầm, đoạn cống bao trên sẽ được hoàn tất vào giữa tháng 8-2011.
“Tuy đoạn cống đó không dài nhưng lại vô cùng quan trọng vì làm nhiệm vụ nối toàn bộ tuyến cống bao đã kích từ trước đến nay. Khi được kết nối thông suốt, nước thải mới có thể được đưa về trạm bơm đặt ở hạ nguồn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” - ông Phan Châu Thuận cho biết.
Mùa mưa năm sau mới hết ngập
Theo ông Phan Châu Thuận, sau khi vận hành toàn bộ hệ thống cống đã lắp đặt của dự án, tình trạng ngập ở lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè sẽ giảm hẳn. Tuy nhiên, người dân phải đợi đến mùa mưa năm sau mới chứng kiến được hiệu quả của dự án, còn mùa mưa năm nay vẫn tiếp tục… sống chung với ngập. |
Bình luận (0)