Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng Phòng Quản lý hệ thống thoát nước - Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là trung tâm), nhận định: Trước tình hình diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, dự báo mùa mưa năm nay, trên địa bàn TP sẽ còn nhiều khu vực tiếp tục bị ngập khi mưa.
Cơn mưa lớn vào đêm 18 rạng sáng 19-4 khiến 41 tuyến đường trên toàn TP bị ngập nặng như một dự báo không mấy “sáng sủa”.
Công trình chống ngập gây… ngập
Nguyên nhân ngập trên địa bàn TP mỗi khi mưa có sự “đóng góp tích cực” của các dự án thoát nước, chống ngập đang thi công. Theo “xếp hạng” của trung tâm, đứng đầu danh sách phải kể đến dự án nâng cấp đô thị.
Trong quá trình thi công dự án, đơn vị thi công đã bơm nước lẫn bùn đất vào hệ thống thoát nước, làm hư hỏng hầm ga, cắt đứt các cống băng, không nạo vét tuyến cống hiện hữu sau khi thi công… làm 21 vị trí cống thoát nước không thoát nước được, tập trung ở địa bàn quận 6 (9 điểm), quận Tân Phú (7 điểm), Tân Bình (3 điểm)…
Tương tự, dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè cũng góp phần chặn dòng thoát nước mưa ở 13 vị trí trên địa bàn quận 3, 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận...
Trên địa bàn quận 1, trong quá trình thi công nối tuyến D xuyên qua lòng cống vòm hiện hữu, nhà thầu đã làm giảm tiết diện thoát nước của tuyến vòm.
Đường Trần Khắc Chân, phường Tân Định, quận 1 - TPHCM bị ngập nặng vào tối 20-4. Ảnh: HẢI LIÊN
Đoạn từ Nguyễn Thị Minh Khai đến rạch Bùng Binh, công trường Dân Chủ (quận 3), các vị trí cống băng hiện hữu đã bị nhà thầu xây bít để phục vụ thi công nhưng không hoàn trả hiện trạng dẫn đến gây ngập khi có mưa.
Trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), đơn vị thi công làm sụp cống vòm và thay thế bằng tuyến cống D600 làm giảm tiết diện dòng chảy, gây ngập cho khu vực giao lộ Hai Bà Trưng-Trần Quốc Thảo. Tương tự, tại khu vực quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, nhiều điểm hệ thống thoát nước cũng bị hư hại nặng.
Đại lộ Võ Văn Kiệt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ lâu nhưng đến nay, nhiều vị trí hệ thống thoát nước chịu ảnh hưởng của công trình này vẫn chưa được khắc phục, gây ngập mỗi khi có triều cường hoặc mưa...
Kiến nghị UBND TP vào cuộc
Điều đáng lo ngại là trước thực trạng trên, dù trung tâm đã đưa ra nhiều cảnh báo, nhắc nhở các nhà thầu thi công sớm khắc phục nhưng đều bị… phớt lờ. Mới đây, trung tâm buộc phải gửi văn bản kiến nghị lên Thường trực UBND TP đề nghị xem xét và có ý kiến chỉ đạo để xử lý.
Để bảo đảm khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước trên địa bàn TP, trung tâm kiến nghị Thường trực UBND TP chỉ đạo các đơn vị thi công dự án sớm khắc phục những vị trí trên, đặc biệt là các dự án lớn nhằm chống ngập cho TP trong mùa mưa năm nay.
Nắp hố ga tại khu dân cư Kim Long, đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè - TPHCM bị lát gạch bít kín và trồng cỏ bên trên. Ảnh: TẤN THẠNH
Theo ông Đỗ Tấn Long, ngoài những giải pháp trên, giải pháp căn cơ chống ngập cho TP là UBND TP cần chỉ đạo kịp thời để giải quyết những công trình thi công ì ạch, làm ảnh hưởng đến công trình thoát nước của TP. Mặt khác, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình nhỏ lẻ để sớm đưa vào sử dụng.
“Trung tâm cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra hệ thống cống thoát nước, phát hiện các vị trí hư hỏng để kịp thời sửa chữa, nạo vét bùn đất nhằm phát huy hết khả năng thoát nước của hệ thống cống hiện có. Đồng thời cải tạo nâng cấp hệ thống thoát nước nội thị, hoàn thành các dự án xây dựng cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc-Thị Nghè và triển khai một số dự án mới có thể cho hiệu quả chống ngập cao”- ông Long nói.
Trông chờ dự án vệ sinh môi trường
Thạc sĩ Hồ Long Phi, cố vấn Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TPHCM, cho rằng hiện nay tiến độ thi công nhiều dự án trên địa bàn TP quá chậm trễ do nhà thầu thi công ì ạch, trong khi TP chưa có những giải pháp quyết liệt để xử lý.
Trong mùa mưa tới, vẫn còn nhiều dự án không hoàn thành kịp tiến độ. Hiện nay, dự án vệ sinh môi trường TP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hoàn thành nhiều hạng mục, đáng lẽ những hạng mục nào đã hoàn thành thì nên bàn giao cho Sở GTVT, sau đó bàn giao cho trung tâm chống ngập để đưa vào sử dụng nhằm chống ngập.
Do đó, theo ông Phi, để giảm ngập cho TP trong mùa mưa này chỉ có cách là những hạng mục nào của dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc-Thị Nghè đã hoàn tất thì nên tháo gỡ cống để thoát nước, sau đó bít lại nếu cần thiết. |
Bình luận (0)