Đọng lại sau những phiên chất vấn là sự xót xa của đại biểu (ĐB) sau từng lời nói khi đề cập thực trạng và đặt vấn đề trách nhiệm cơ quan quản lý, trách nhiệm cá nhân. Không xót sao được khi đất nước còn nghèo, nợ công cao, phải tìm nhiều cách thắt lưng buộc bụng chi tiêu, cân nhắc giảm đầu tư công mà hàng chục nghìn tỉ đồng đầu tư lãng phí trong các nhà máy, dự án không hiệu quả (như dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên, xơ sợi Đình Vũ, đạm Ninh Bình, nhiên liệu sinh học Dung Quất, bột giấy Dung Quất). Càng buồn hơn và khó chấp nhận hơn nữa khi đã làm ăn, đầu tư không hiệu quả mà không ít người còn muốn ngân sách gánh nợ giùm.
Xét cho cùng, đây là tiền thuế của dân. Buông lỏng quản lý, để thất thoát, lãng phí là không thể chấp nhận được. Nhiều ĐB đề nghị làm rõ trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý đầu tư tại doanh nghiệp (DN). Là DN sử dụng vốn, tài sản nhà nước, tiền thuế của dân thì không thể khoán trắng, buông lỏng quản lý DN nhà nước. Những dự án của tư nhân, nếu đầu tư thất thoát thì những người có liên quan khuynh gia bại sản, thậm chí có thể đi tù. Nhưng những dự án công, hầu như chưa thấy trách nhiệm thuộc về ai. Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nói: “Trách nhiệm (nếu có), đặc biệt đối với vi phạm pháp luật và có sự cố tình làm sai, chắc chắn sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự”.
Trước đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, cũng yêu cầu làm rõ trong việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ, những người có trách nhiệm và những người công tác tại đơn vị trên bây giờ đã luân chuyển đi đâu, làm gì khi có dấu hiệu để thất thoát, lãng phí như thế.
Một thực trạng không thể không nhắc đến là có quá nhiều DN nhà nước làm ăn thua lỗ triền miên nhưng lãnh đạo vẫn điềm nhiên tại vị và giàu sụ, bất chấp tình trạng người lao động thiếu việc làm, thu nhập tụt giảm, bị nợ lương, nợ BHXH ngày này qua tháng khác. Thử nhìn xem, có ông quan lãnh đạo DN nhà nước nào đang làm ăn thua lỗ mà không nhà cao cửa rộng, không xênh xang xe cộ, xem như chuyện thua lỗ có nhà nước lo, còn ta cứ việc ung dung hưởng lộc.
Nguồn chi ngân sách ngày càng phình ra với nhiều khoản cực kỳ cần thiết trong yêu cầu phát triển. Các vấn đề nóng bỏng trong chính sách BHXH; thực trạng tiền lương giáo viên, công nhân… đặt bên cạnh những con số thất thoát lãng phí hàng chục nghìn tỉ đồng càng cho thấy không thể nhân nhượng, du di được nữa. Xét trên yếu tố công bằng, đạo đức xã hội, sự phi lý đến mức phi nhân là việc cần mạnh tay dẹp bỏ. Lúc này, rất cần đến sự ra tay nghiêm minh của luật pháp. Những người liên quan đến việc gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm tổn hại quyền lợi đất nước phải bị xem xét trách nhiệm cá nhân, kể cả việc truy cứu trách nhiệm hình sự dù đã nghỉ hưu hay điều chuyển công tác.
Bình luận (0)