“Hướng dẫn viên (HDV) du lịch vừa thiếu vừa yếu” là câu cửa miệng của nhiều người khi nói về lực lượng này. Được xem là nghề nhưng từ nhận thức tới đào tạo HDV đều bất ổn.
Một trong những nghề khó nhất
Nói đến du lịch - ngành công nghiệp không khói - là phải nhắc đến khách sạn - nhà hàng và HDV. Cũng với thiết kế tour, điều hành tour, HDV tạo nên diện mạo các công ty lữ hành. Dù có vị trí ngang nhau nhưng do đặc thù công việc, duy chỉ HDV là người tiếp cận trực tiếp với khách hàng.
Theo tiếng Anh, HDV là tour guide, nghĩa là người hướng dẫn tour. Nhiệm vụ của HDV là thực hiện tour (của thiết kế là làm chương trình và của điều hành là tổ chức). Nhiều người vẫn không phân biệt được nhiệm vụ và chức năng nên thường ghép chung. Không ít người cho rằng chức năng lớn hơn nhiệm vụ.
Theo giáo trình giảng dạy hiện nay, HDV có các chức năng: 1. Người dẫn đường; 2. Thuyết minh tuyến điểm; 3. Sắp xếp và thực hiện các dịch vụ theo chương trình; 4. Xử lý các tình huống;
5. Đại diện công ty. Từ thực tiễn bản thân, tôi muốn bổ sung thêm các chức năng: 6. Phục vụ tự nguyện (khác với bắt buộc),
7. Cung cấp kiến thức và thông tin, 8. Hoạt náo, 9. Bạn đường, 10. Đại sứ nhân dân. Trong đó chức năng số 4 và 7 là khó nhất.
Có thể nói đây là một trong những nghề khó nhất. Để làm tốt các chức năng trên, HDV phải có sức khỏe tốt, có kiến thức và nghiệp vụ, hoạt ngôn, đam mê nghề, hiểu biết tâm lý và thường phải tác chiến độc lập... Không chỉ làm dâu trăm họ mà HDV còn phải là người cầu tiến, ham học hỏi. Những HDV giỏi có thể làm quản lý, MC, nhà báo và nhiều lĩnh vực xã hội khác.
Yếu từ đào tạo đến quản lý
Theo thống kê, tính đến nay, cả nước có 9.920 HDV quốc tế phục vụ cho gần 8 triệu lượt khách inbound và 6 triệu lượt khách outbound; 7.467 HDV nội địa phục vụ hơn 45 triệu lượt khách. Chỉ tính riêng số lượng đã thiếu trầm trọng. Ước tính để phục vụ lượng khách trên, cần tối thiểu khoảng 25.000 HDV quốc tế và 50.000 HDV nội địa.
Không chỉ thiếu trầm trọng về số lượng mà còn mất cân đối trầm trọng về cơ cấu. Trong số 9.920 HDV quốc tế thì tiếng Anh có 5.595 người, tiếng Hoa có 1.586 người, tiếng Pháp có 1.135 người, tiếng Nga có 521 người, tiếng Nhật có 512 người... Xét về cơ cấu của các tỉnh, thành thì càng phi lý. TP HCM có 2.556 HDV quốc tế và 2.357 HDV nội địa. Số liệu này của Hà Nội là 2.819 và 1.303; Đà Nẵng là 1.353 và 931; Cần Thơ là 82 và 250...
Mỗi năm, cả nước có khoảng 30.000 sinh viên du lịch ra trường, trong đó hơn 40% là hệ đại học. Theo thống kê, chỉ khoảng 1/3 sinh viên trung cấp và cao đẳng du lịch ra trường làm việc gắn với ngành học, còn ở hệ đại học chưa tới 5%. Trách nhiệm này thuộc về Bộ Giáo dục - Đào tạo và Tổng cục Du lịch. Hệ đại học thường đào tạo thập cẩm kiểu “quản trị du lịch’’ và đủ thứ chuyên ngành, từ “địa lý du lịch”, “môi trường du lịch’’ đến “Việt Nam học”... Trong khi các công ty lữ hành chỉ cần HDV hoặc thiết kế hay điều hành tour.
HDV quốc tế phải có bằng đại học còn HDV nội địa chỉ cần bằng phổ thông. Hậu quả của cách làm cảm tính này là rất nhiều HDV có thẻ nhưng hành nghề kém hoặc không thể hành nghề. Trong khi nhiều người có kiến thức, nghiệp vụ và thông thạo ngoại ngữ lại không thể hành nghề vì chưa có bằng đại học.
Tư duy quản lý còn bất cập trong việc cấp thẻ HDV. Đây là việc của các hiệp hội ngành nghề và các trường chứ không phải của nhà nước. Ngay cả tôi, dù là giáo viên dạy nghiệp vụ HDV hàng chục năm nhưng vẫn bị làm khó dễ khi xin cấp thẻ HDV vì chưa kinh qua lớp nghiệp vụ HDV của sở du lịch.
Phải thay đổi bằng được
Để giải quyết những bất cập của HDV du lịch cần tiến hành mấy việc sau:
1. Thay đổi tư duy của lãnh đạo ngành về du lịch, đặc biệt là về HDV.
2. Ban hành quy chuẩn chung về đào tạo HDV.
3. Giao việc cấp thẻ HDV cho Hiệp hội Lữ hành và các trường đào tạo, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý và giám sát, không ôm đủ thứ như hiện nay.
4. Khẩn trương tổng rà soát lực lượng để đào tạo cấp tốc và cấp thẻ cho HDV nội địa. Riêng thẻ HDV quốc tế sẽ cấp tạm cho những HDV có nghiệp vụ và ngoại ngữ nhưng chưa đủ chuẩn học vấn. Cho nợ trong 3 năm để bổ sung. Quá hạn, không đáp ứng thì thu hồi thẻ đã cấp.
5. Bỏ ngay dòng chữ ‘’International Tour Guide’’ trên thẻ HDV quốc tế. Thiên hạ cứ tưởng thẻ này được Liên Hiệp Quốc cấp hoặc HDV nói được đủ thứ tiếng. Thẻ HDV có mẫu chung, chỉ khác màu. Thẻ HDV quốc tế viết bằng tiếng Anh. HDV tiếng nước nào ghi nước đó.
Thay đổi, dù khó cũng phải làm bằng được để mạnh mẽ tiến lên bởi không còn sự lựa chọn nào khác.
Bình luận (0)