Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), ngày 15-5, đã họp cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2016 và tình hình triển khai thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2017.
Tăng trưởng chưa bền vững
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết trong 4 tháng đầu 2017, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ kiến nghị để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% cả năm 2017, tập trung vào các giải pháp nhanh như: tăng thêm sản lượng khai thác dầu thô trong nước nhằm đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP và không để ngành khai khoáng giảm sâu.
Đáng chú ý, Chính phủ kiến nghị khẩn trương rà soát tất cả dự án đầu tư đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, các dự án đang còn vướng mắc như dự án Formosa Hà Tĩnh. Đồng thời, tạo điều kiện về mặt thủ tục, đất đai, lao động... để các dự án đã đăng ký nhanh chóng giải ngân, đưa vốn vào nền kinh tế.
Đại diện cơ quan thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng tuy có nhiều kết quả khả quan nhưng KT-XH vẫn bộc lộ một số khó khăn, tăng trưởng chưa thực sự bền vững. Cụ thể là để đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%, các quý còn lại phải tăng trung bình khoảng 7%. Với điều kiện và tình hình thực tế năm 2017 thì mục tiêu này rất khó thực hiện, khả năng chỉ đạt khoảng 6,3%-6,5%. Thâm hụt ngân sách và nợ công ở mức cao, tiếp tục gây sức ép trả nợ và tạo rủi ro đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đang có dấu hiệu chững lại, cùng với đó thì hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước chưa thật sự phát huy hiệu quả, còn nhiều dự án thua lỗ nặng nề. Nợ xấu còn cao, chưa được xử lý triệt để là gánh nặng của nền kinh tế, kìm hãm cố gắng giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tình hình thu ngân sách trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày 15-5
Bất cập về quản lý đất đai
Hầu hết thành viên UBTVQH tán thành và đánh giá cao những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong thời gian qua song vẫn đưa ra nhiều cảnh báo.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng công tác quản lý đất đai ở một số nơi còn bất cập; công tác thu hồi, đền bù thiếu minh bạch và thiếu hợp lý tại cơ sở gây ra xung đột lợi ích kéo dài, ảnh hưởng đến ổn định xã hội. "Vẫn tồn tại việc khai thác tài nguyên thiên nhiên theo kiểu tận thu, tận diệt là do sự buông lỏng quản lý của các cấp, các ngành nên đã để cho các nhóm lợi ích câu kết làm mất hiệu lực chính sách" - ông Thanh nói.
Đồng tình, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nêu công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập mà điển hình là vụ việc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Nếu tình hình căng thẳng mà đối thoại với dân chậm thì càng bất lợi, càng kéo dài thì càng tạo cơ hội cho thế lực thù địch.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng lại cho rằng các vụ việc nổi cộm về đất đai có nhiều nguyên nhân. "Nếu chính quyền giải quyết tốt, giải trình thuyết phục thì không đến nỗi như vừa rồi. Tại sao người dân phải ra đường phản đối chính quyền? Có phải do thiếu luật pháp và có thiếu đến mức dân phản đối như vậy không? Tôi cho rằng không phải như vậy mà do vấn đề thực thi pháp luật của chính quyền một số nơi" - bà Tòng Thị Phóng phân tích.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt kiến nghị công tác quản lý xã hội phải tăng cường kỷ cương phép nước. "Thủ tướng nói đừng để cán bộ phường, xã trở thành đội ngũ như lý trưởng, cường hào mới. Đại bộ phận cán bộ là tốt song lớp lý trưởng, cường hào mới cũng không phải ít" - ông Việt nhìn nhận và nêu phải làm thế nào để ngăn được tình trạng "người giỏi không được làm, người làm thì không giỏi".
Đề cập một vấn đề nóng bỏng khác xuất hiện gần đây, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhìn nhận "giải cứu" thịt heo là cần thiết vì khi nông dân gặp khó khăn thì Chính phủ không thể làm ngơ. "Có điều với nhiều cuộc "giải cứu" như vậy thì cần xem lại quản lý đã đúng chưa, khâu dự báo làm tốt không?" - ông Tỵ phê bình.
Thu ngân sách chủ yếu từ tiền sử dụng đất
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2016 đạt 1.101,38 ngàn tỉ đồng, tăng 86,88 ngàn tỉ đồng so với dự toán và tăng 62,38 ngàn tỉ đồng so với báo cáo QH.
Mặc dù thu ngân sách tăng cao song thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết bên cạnh nguồn thu từ đất thì chủ yếu tăng thu do cơ chế, điều chỉnh chính sách như thu cổ tức, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ tại doanh nghiệp. Điều này cho thấy số tăng thu ngân sách chưa thực sự xuất phát từ năng lực nội tại trong các hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Cho ông Võ Kim Cự thôi làm ĐBQH
Chiều cùng ngày, UBTVQH đã có phiên họp xem xét mội số nội dung về công tác nhân sự. Theo đó, UBTVQH đã biểu quyết, nhất trí về việc chuyển sinh hoạt đối với ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM - từ Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đến Đoàn ĐBQH TP HCM. Nhất trí về việc chuyển sinh hoạt của ông Đinh La Thăng, Phó Ban Kinh tế trung ương, từ Đoàn ĐBQH TP HCM đến Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.
Cũng trong phiên họp này, UBTVQH đã biểu quyết, nhất trí về việc cho thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khóa XIV đối với ông Võ Kim Cự thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh kể từ ngày 15-5-2017 vì bị thi hành kỷ luật và đã có đơn xin thôi làm nhiệm vụ ĐB vì lý do sức khỏe.
Bình luận (0)