Nguy cơ cháy rất cao ở làng nghề Vạn Phúc, quận Hà Đông-Hà Nội
Cảnh sát PCCC TP Hà Nội cho biết đã kiểm tra 272 làng nghề toàn TP và nêu hơn 1.300 thiếu sót cần khắc phục.
Nguy hiểm chực chờ
Tại làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông), những tấm lụa truyền thống bao đời được đưa từ nơi sản xuất tới ngay khu chợ sầm uất từ sáng tới chiều tối. Theo Hiệp hội Làng nghề lụa Vạn Phúc, lúc cao điểm, cả làng có hơn 1.000 máy dệt các loại. Lối vào làng có 20 ki-ốt bán hàng. Hầu hết các ki-ốt này đều không được trang bị bình chữa cháy. Chỉ duy nhất có biển hiệu tiêu lệnh PCCC ở cổng chợ trong khi vải là thứ dễ bắt lửa.
Làng nghề chăn, drap, gối, đệm cao cấp của Trát Cầu (huyện Thường Tín) có trên 900 hộ thì 90% tham gia làm nghề. Hằng ngày, bông, đệm, vải… liên tục chở ra vào với khối lượng lớn. Dù vậy, rất ít nhà được trang bị bình chữa cháy, thậm chí nhiều nhà có cả kho chứa bông lớn hàng trăm mét vuông nhưng không có lấy một bình chữa cháy.
Theo khảo sát của phóng viên, đa phần làng nghề nằm trong khu dân cư của các làng, xã thuộc các huyện ngoại thành và quận Hà Đông. Các làng nghề không được quy hoạch có nơi sản xuất riêng biệt, cách xa khu dân cư. Vì vậy, khoảng cách an toàn PCCC trong các cơ sở sản xuất không bảo đảm khi có cháy nổ xảy ra và khả năng lan truyền rất lớn gây khó khăn cho công tác chữa cháy.
Không chỉ làng lụa Vạn Phúc với các xưởng sản xuất kiêm... nhà ở, các làng nghề khác cũng đều nằm trong các khu phố, xóm nhỏ quanh co, đường giao thông nhỏ… Đặc biệt, có cơ sở sản xuất ở trong các làng nghề khoảng cách xe chữa cháy đỗ, tiếp cận đến cơ sở sản xuất xa tới vài km. Ngoài ra, lối đi trong các làng nghề còn bị các hộ kinh doanh lấn chiếm để chứa nguyên vật liệu, hàng hóa.
Sản xuất ngay trong nhà ở
Nhóm nguy cơ cao nhất là 100 làng nghề mây tre, nón lá, tăm hương... Những làng nghề này phần lớn không có nơi riêng biệt mà sản xuất trong nhà ở; công đoạn sấy chống mốc bằng hóa chất (diêm sinh); làm nhẵn và sấy khô sản phẩm bằng nhiệt; phun sơn, véc-ni dùng dung môi dễ cháy. 35 làng nghề mộc, sơn mài, khảm trai, điêu khắc... cũng không thoát khỏi tầm ngắm của “bà hỏa”. Những làng nghề này có khối lượng chất cháy lớn vì sử dụng nhiều loại dung môi để hòa tan dầu bóng, véc-ni… Trong khi đó, các phương tiện để làm nghề là các máy xẻ, bào, cưa đều sử dụng điện-nguồn gây cháy phổ biến nhất. 45 làng nghề dệt may, thêu ren... chủ yếu được làm thủ công và sử dụng dung môi như aceton để in hoa trên vải rất dễ xảy ra cháy, nổ trong quá trình sấy...
Thờ ơ trong PCCC
Nguy cơ cháy, nổ cao là vậy song các biện pháp PCCC của các làng nghề hầu như không có. Đa số các làng nghề chưa ban hành, phổ biến các nội quy, quy định và biển chỉ dẫn về PCCC hoặc có nhưng không phù hợp với tính chất nguy hiểm. Lực lượng dân phòng, PCCC cơ sở tại các làng nghề đa phần chưa được thành lập và chưa được huấn luyện nghiệp vụ PCCC.
Theo Sở Cảnh sát PCCC TP Hà Nội, mới chỉ có gần một nửa làng nghề (128/272 làng) ,ô tô chữa cháy có thể tiếp cận được. Đã vậy, nguồn nước phục vụ chữa cháy lại rất ít, nhiều ao hồ bị san lấp để làm nhà ở và xưởng sản xuất. |
Bình luận (0)