Quốc hội (QH) dành trọn ngày 5-11 để thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (Dự thảo), dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Nội dung được các đại biểu (ĐB) QH tập trung cho ý kiến và bày tỏ băn khoăn, đề nghị điều chỉnh là vấn đề thu hồi đất, mô hình chính quyền địa phương…
Phải hiến định chặt chẽ
Liên quan đến thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý giải thích để phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, bên cạnh việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia thì nhà nước vẫn cần thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Luật Đất đai vì thế cũng sẽ quy định thật cụ thể các trường hợp thu hồi đất.
Tán đồng, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) lo ngại quy định như Dự thảo là rộng, thiếu chặt chẽ và đề nghị trường hợp thật cần thiết là một chế định ràng buộc rất quan trọng sẽ hạn chế lạm dụng thu hồi đất do được kiểm soát.
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị viết lại khoản 3, điều 54 Dự thảo như sau: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch, bảo đảm công bằng dựa trên lợi ích của nhân dân và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.
ĐB Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) phân tích trong tương lai, việc thu hồi đất không dễ vì đất là tài nguyên hữu hạn. “Vì vậy trong tương lai có thể có luật riêng về thu hồi mà một số quốc gia đang có để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của cá nhân, tổ chức sở hữu đất đai” - ông Phương hiến kế.
Nhìn rộng hơn, Chủ tịch HĐND TP HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) đề nghị bồi thường đất khi thu hồi phải theo sát giá thị trường để tương thích với Luật Đất đai sửa đổi, hạn chế việc lạm dụng trong thu hồi đất để phát triển KT-XH với cái giá không coi trọng quyền lợi của người dân. “Hiến định điều này để tránh lạm dụng khi thu hồi đất” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm quả quyết.
Làm cho HĐND mạnh lên
Một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều ĐB là chương IX quy định về chính quyền địa phương. ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình), Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình), Phạm Đức Châu (Quảng Trị), Trần Đình Thu (Gia Lai), Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên - Huế) cùng cho rằng thiết chế HĐND bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, vì vậy cần phải làm cho HĐND mạnh lên. Sau này, nếu thí điểm mô hình bỏ HĐND có hiệu quả thì sẽ tiến hành sửa Hiến pháp.
ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) và một số ĐB đồng ý không thành lập Hội đồng Hiến pháp nhưng không nên để trống cơ chế về bảo vệ Hiến pháp và tăng cường trách nhiệm các cơ quan bảo vệ Hiến pháp. Còn ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị hiến định việc nghiêm trị mọi hành vi tham nhũng, lãng phí.
Chốt lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết ủy ban sẽ tiếp thu một cách tối đa, giải trình thấu đáo để trình QH tiếp tục thảo luận vào ngày 18-11.
Giữ điều 10 là đúng đắn Tham gia thảo luận, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) bày tỏ tình cảm và lời cảm ơn của tổ chức Công đoàn (CĐ) trước sự ủng hộ, thống nhất cao của các ĐBQH khi tán thành việc giữ lại và bổ sung nội dung vào điều 10 về CĐ Việt Nam trong Dự thảo. Đảng ta là Đảng của giai cấp công nhân, vì thế việc có một điều về CĐ trong Hiến pháp sẽ khẳng định thêm bản chất giai cấp công nhân của Đảng; việc khẳng định vị trí của CĐ trong Hiến pháp là rất cần thiết để bảo vệ quyền lợi người lao động; trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh và đóng vai trò rất quan trọng. Làm rõ việc chọn “kinh tế nhà nước là chủ đạo” Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo trên cơ sở ý kiến ĐBQH thảo luận ở tổ được Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày cho biết việc khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước nhằm thể hiện bản chất chế độ kinh tế của nhà nước Việt Nam, thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa và vai trò của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường của đất nước. Mặt khác, “kinh tế nhà nước” là một khái niệm rộng chứ không chỉ là kinh tế nhà nước với doanh nghiệp nhà nước. Việc quy định “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo” không mâu thuẫn với nguyên tắc bình đẳng và cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế. |
Bình luận (0)