xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Đừng thu hồi đất vì lợi ích nhà đầu tư

Thế Dũng

Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội để tránh bị lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội. Về việc định giá đất, cần làm rõ thế nào là giá thị trường và phải cụ thể hóa trong luật

Ngày 6-11, Quốc hội (QH) thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai sửa đổi (dự luật). Trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Nguyễn Văn Giàu, cho biết UBTVQH khẳng định nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước.
img
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, ông Nguyễn Văn Giàu (bìa trái), cùng các ĐBQH trao đổi trong giờ giải lao về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) Ảnh: Hoàng Bắc

Đề xuất áp dụng cơ chế góp đất

Đồng tình với việc thu hồi đất cho phát triển kinh tế - xã hội song đại biểu (ĐB) Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị các trường hợp thu hồi đất để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia và lợi ích công cộng sẽ không bao gồm các dự án thiên về lợi nhuận của nhà đầu tư như khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, dự án khai thác khoáng sản...

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, ông Ngô Văn Minh, thẳng thắn: “Để đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của ĐBQH thì nhiều điều, khoản phải được gia cố như các trường hợp thu hồi đất”. Theo ĐB Minh, cần quy định riêng đối với việc thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội và quy định cụ thể thẩm quyền của QH, Thủ tướng Chính phủ, HĐND.

Để bảo đảm quyền lợi cho người dân, ĐB Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) kiến nghị đối với các dự án phát triển kinh tế vì lợi ích thuần túy của nhà đầu tư thì nhà nước không áp dụng thu hồi đất mà phải áp dụng cơ chế góp đất, cụ thể là hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Đây là một phương thức đã được áp dụng rộng rãi ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia...

Cẩn trọng hơn, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho biết về thu hồi đất, dự luật đã được xem xét tại kỳ họp QH thứ 2, 4 và 5, cùng hàng trăm hội nghị, hội thảo với rất nhiều ý kiến góp ý của nhân dân, của các chuyên gia và các ĐBQH. ĐB Vinh đề nghị Ban Soạn thảo phải làm rõ khái niệm thu hồi đất phục vụ mục đích kinh tế - xã hội. “Đây là một khái niệm không thật rõ ràng, cần được làm rõ nhằm tránh lợi dụng và tạo ra các bất bình xã hội” - ĐB Vinh lo ngại.

Ai quyết định giá đất?

Về giá đất, có nhiều ý kiến khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết dự luật quy định nhà nước ban hành khung giá đất nhằm hạn chế chênh lệch lớn về giá đất tại khu vực giáp ranh giữa các vùng, địa phương. Ông Giàu cũng cho biết UBTVQH khẳng định nhà nước có quyền quyết định giá đất và giao thẩm quyền cho UBND cấp tỉnh quy định giá đất là phù hợp.

Xung quanh nội dung này, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề xuất việc xác định giá đất khi nhà nước thu hồi đất phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi để bảo đảm cho người dân khi bị thu hồi đất có cuộc sống bình thường, bằng hoặc tốt hơn trước đó.

ĐB Huỳnh Minh Hoàng đề nghị đưa ra đấu giá đất để có kinh phí thực hiện toàn bộ dự án. Toàn bộ việc thực hiện dự án được cộng đồng đồng thuận. “Như thế sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người bị thu hồi đất” - ĐB Hoàng nói. Về việc định giá đất, ĐB Hoàng băn khoăn “thế nào là giá thị trường?”, “giá thị trường được xác định như thế nào?” và đề nghị phải cụ thể hóa trong luật. “Nếu theo cơ chế thị trường thì người bán đất phải là người có quyền quyết định giá bán thông qua đấu giá. Còn như hiện nay là không phải như vậy. Không thể để cho người bị thu hồi đất bị xem là người đứng ngoài cuộc khi định giá mảnh đất của mình” - ĐB Hoàng bày tỏ.

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) góp ý: Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy cần giảm bớt các trường hợp phải quyết định giá đất của cơ quan nhà nước, thay vào đó nên khuyến khích sự đồng thuận giữa các bên có chung lợi ích từ đất đai theo cơ chế thị trường. “Cần tách thẩm quyền quyết định giá đất ra khỏi thẩm quyền quyết định về đất đai. Nói cách khác là không tập trung quyền quyết định toàn bộ về đất đai vào một cơ quan nhà nước để giảm tính độc quyền” - ĐB Nguyệt nhìn nhận.

Thuế, phí cao; lãng phí đất nhiều

ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) cho biết dân than rằng “đụng tới đất là có thuế, phí, không biết cái nào thuộc quản lý nhà nước mà dân được nhà nước lo, cái nào là dịch vụ buộc phải thuê hoặc trả tiền”. Tất cả những điều này xuất phát từ sự thiếu minh bạch và thực tế ngân sách thu được từ đất cũng chưa nhiều nhưng phải nuôi bộ máy cồng kềnh cùng nhiều vấn đề bất hợp lý khác mà dân phải gánh chịu.

ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) bày tỏ lo lắng trước tình trạng tranh chấp đất giữa đồng bào dân tộc thiểu số với các ban quản lý bảo vệ rừng và các nông lâm trường trong điều kiện phần lớn thuộc diện thiếu đất sản xuất. Nhiều nông lâm trường sử dụng đất đai chưa hiệu quả, gây nhiều bức xúc trong dân. Vì vậy, ĐB Thành đề nghị dự luật quy định: “Nhà nước tổ chức lại hoạt động các nông lâm trường và các ban quản lý bảo vệ rừng, có chính sách giao đất, khoán, quản lý, bảo vệ rừng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện thiếu đất hoặc không có đất sản xuất”.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo