Theo phản ánh của người dân, khi dự án được thực hiện, bến thuyền ở bãi biển Sầm Sơn sẽ bị giải tỏa, bà con hết đường mưu sinh. Ông Trương Duy Chông, ngư dân địa phương, cho rằng lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã quá ưu ái cho FLC khi đất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, đất rừng giao hết cho tập đoàn này xây khu nghỉ dưỡng.
“Khi xây dựng sân golf, resort, họ bít đường, không cho chúng tôi ra biển. Họ còn cấm đánh bắt thủy sản phía trước khu nghỉ dưỡng. Giờ còn mỗi khu vực neo đậu tàu, thuyền cũng bị giải tán để nhường chỗ cho FLC cải tạo bãi biển thì dân chúng tôi chẳng biết dựa vào đâu để sống. Bao đời nay, bà con sống nhờ vào biển, nay bến thuyền phải di dời vào tận xã Quảng Hùng, huyện Quảng Xương, xa tới 10 km, khác nào buộc chúng tôi phải chuyển nhà đi theo” - ông Chông bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Hoàng Kỳ, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”. Theo đó, UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ giải bản (phá bỏ) tàu, thuyền đánh bắt gần bờ công suất từ 20 CV trở xuống với mức 50-70 triệu đồng/phương tiện. Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ hộ có phương tiện bị giải bản 30 kg gạo tẻ/người/tháng trong thời gian 6 tháng để bà con ổn định đời sống. Khi tìm nghề mới, ngư dân được hỗ trợ tiếp 8-12 triệu đồng/hộ. Hộ giải bản trước ngày 15-3 còn được thưởng 10 triệu đồng. Ngoài ra, sau khi giải bản, nếu gia đình nào đóng mới tàu cá có công suất 30-400CV sẽ được hỗ trợ một lần 125-250 triệu đồng.
Ông Kỳ cho rằng đây là dự án quan trọng làm thay đổi bộ mặt của Sầm Sơn nên tỉnh đã cân nhắc rất kỹ để đưa ra mức hỗ trợ hợp lý nhất. “Đòi hỏi của người dân thì vô vàn. Việc giải bản tàu, thuyền dưới 20 CV, đánh bắt gần bờ để thay thế tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ cũng phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” - ông Kỳ nhận xét.
Dù tỉnh Thanh Hóa đã công khai các chính sách trên nhưng đến chiều 2-3, vẫn còn nhiều người dân ở Sầm Sơn tụ tập trước cổng UBND tỉnh. “Chúng tôi đồng tình với phương án cải tạo bãi biển nhưng chỉ xin chính quyền cho người dân có chỗ neo đậu tàu, thuyền khoảng 500-1.000 m, chứ phá bỏ thì chẳng biết làm gì để sống” - ông Trương Như Phúc, ngụ xã Quảng Cư, bày tỏ.
Về nguyện vọng này của người dân, tại cuộc họp báo chiều 2-3, ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nói chưa thể trả lời được mà sẽ báo cáo lại lãnh đạo tỉnh xem xét và thông tin sau.
Như Báo Người Lao Động từng phản ánh, việc thu hồi bãi biển Sầm Sơn sẽ xóa sổ 4 bến neo đậu tàu, thuyền của ngư dân, 705 phương tiện phải dời đi nơi khác. Song song đó, khoảng 3.000 lao động gián tiếp và trực tiếp cũng đứng trước nguy cơ bị mất việc làm.
Bình luận (0)