Tại hội thảo “Mê Kông và đập thủy điện” do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp cùng Mạng lưới Sông ngòi tổ chức sáng 14-8, GS Đặng Vũ Minh, Chủ tịch VUSTA, khẳng định: Các đập thủy điện trên sông Mê Kông không chỉ tác động đến vùng đồng bằng mà sẽ ảnh hưởng đến vùng biển các tỉnh ĐBSCL, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp như hiện nay.
Do đó, các ý kiến đưa ra trong hội thảo sẽ được tổng hợp và gửi đến tất cả các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan.
Hệ thống thủy điện trên sông Mê Kông
Hiện dòng chính sông Mê Kông có 5 đập thủy điện đã hoạt động, khoảng 10 dự án thủy điện dự kiến xây dựng trên thượng nguồn thuộc lãnh thổ Trung Quốc và 12 dự án dự kiến thực hiện tại hạ lưu.
Ngoài ra, còn có 94 đập thủy điện trên các dòng nhánh. Chủ đầu tư các dự án thủy điện này chủ yếu là Trung Quốc và Thái Lan, các nước được đánh giá là không chịu ảnh hưởng trực tiếp từ sông Mê Kông.
Mặc dù là nước nằm trong lưu vực và đóng góp 16% lượng nước sông Mê Kông nhưng Trung Quốc không thừa nhận nguyên tắc sử dụng nước sông quốc tế và cũng không tham gia Ủy ban Sông Mê Kông quốc tế.
Phía thượng nguồn của Mê Kông, có 5 thủy điện đã hoạt động, 10 dự án khác đang được triển khai của Trung Quốc
Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, nguyên nhân là do nước này muốn phát triển nguồn tài nguyên một cách tự do, tránh sự can thiệp, gây khó dễ của các nước hạ lưu. Chính vì vậy, việc xây dựng các đập thủy điện của Trung Quốc đã gây lo ngại sâu sắc cho các nước hạ lưu nhưng các số liệu về quy trình vận hành, chế độ thủy văn… lại không được cung cấp để các quốc gia hạ lưu xây dựng phương án ứng phó sự cố.
Ngoài ra, 12 dự án ở phía hạ lưu nếu trở thành hiện thực, Trung Quốc cũng là nước hưởng lợi nhiều mặt. Thứ nhất giảm áp lực dư luận đối với các tác động tiêu cực các đập thủy điện của Trung Quốc; thứ hai, sở hữu phần lớn các đập thủy điện trên sông Mê Kông cũng có nghĩa Trung Quốc nắm phần lớn quyền kiểm soát nguồn nước.
Việt Nam do vị trí nằm ở cuối nguồn, sẽ là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu các đập được xây dựng. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo vấn đề đập thủy điện trên sông Mê Kông cần được đưa ra giải quyết tại các diễn đàn quốc tế, diễn đàn lưu vực thay vì giải quyết song phương như các nước từng làm. Mới đây, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng ra thông báo chính thức sẽ không cung cấp tài chính cho các đập trên sông Mê Kông.
Bình luận (0)