Qua các đợt kiểm tra việc liên doanh lắp đặt máy móc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) theo hình thức xã hội hóa (XHH), Kiểm toán Nhà nước cho rằng hình thức này đang phát sinh nhiều bất ổn.
“Ngoạm” tiền tỉ của người bệnh
Tại các cuộc kiểm tra ở tỉnh Thái Bình và Hà Giang, kiểm toán phát hiện chi phí KCB BHYT từ những máy móc XHH trong 2 năm 2015, 2016 lên tới 41,75 tỉ đồng (Thái Bình: 25,35 tỉ đồng; Hà Giang: 16,4 tỉ đồng).
Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam triển khai việc thanh - kiểm tra và thanh toán BHYT liên quan đến máy móc, thiết bị XHH đã gần 9 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có tổng kết, đánh giá những tồn tại, bất cập về quy định này. Ngoài ra, Thông tư số 17/2007 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc sử dụng tài sản để liên doanh, liên kết hoặc góp vốn để mua sắm trang thiết bị phục vụ hoạt động dịch vụ của cơ sở y tế công lập còn nhiều bất cập như: không quy định những ràng buộc từ việc mua thuốc, hóa chất đối với máy thuê, mượn, máy đặt liên quan đến thanh toán BHYT; lạm dụng các dịch vụ…
Ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, cho biết hiện cơ quan bảo hiểm đang thống kê tỉ lệ dịch vụ XHH trong tổng số các dịch vụ mà các bệnh viện thanh toán sai quy định tại một số địa phương. Năm 2017, BHXH sẽ tập trung làm rõ việc sử dụng trang thiết bị XHH trong cơ sở KCB, vì qua giám định khám BHYT các năm gần đây đã phát hiện nhiều sai phạm.
Chi sai hàng ngàn tỉ đồng
Theo ông Lê Văn Phúc, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), ngành BHXH đã thu hồi hàng ngàn tỉ đồng từ các cơ sở y tế do chi sai, chi vô lý, chi vô tội vạ do lạm dụng các kỹ thuật, dịch vụ. Riêng trong năm 2016, qua kiểm tra tại một số tỉnh, BHXH phát hiện và thu hồi hàng chục tỉ đồng từ việc lạm thu quỹ BHYT, trong đó có nhiều dịch vụ chụp, chiếu, xét nghiệm từ nguồn XHH. Tại nhiều cơ sở y tế, khi nhận bệnh nhân vào là bệnh viện cứ “đè ra” mà xét nghiệm máu, siêu âm, chụp X-quang. Thậm chí, tại một bệnh viện ở tỉnh Phú Thọ, nhiều bệnh nhân được chỉ định tới 10-12 xét nghiệm dù chỉ đi khám vì bị... cảm cúm.
“XHH đã tạo điều kiện phát triển kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng KCB trong khi kinh phí đầu tư công còn hạn chế, nhờ đó góp phần mang lại cơ hội cho người bệnh sử dụng các dịch vụ kỹ thuật tốt hơn. Thế nhưng, người bệnh có thể bị “tận thu” do bệnh viện muốn thu hồi vốn nhanh từ nguồn XHH” - ông Phúc nói và cho biết tại Cà Mau và Cần Thơ, nhiều bệnh viện thỏa thuận cụ thể số lượng test, số hóa chất phải mua do bên đầu tư thiết bị y tế đặt ra. Có xét nghiệm huyết học làm trên máy XHH chi phí cao gấp 3-4 lần so với máy do nhà nước cấp. Thậm chí, nhiều nơi máy móc đầu tư từ ngân sách thường xuyên hỏng hóc, “đắp chiếu” còn máy XHH lại có công suất sử dụng rất cao. Lợi nhuận từ các thiết bị XHH lớn nên dễ dẫn đến việc các bệnh viện chạy theo lợi ích mà bỏ qua nhu cầu thực sự của người bệnh.
Ở góc độ chuyên môn, bác sĩ Dương Đức Hùng, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật tim mạch Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng mọi người mới chỉ nhìn ở chi phí người bệnh phải trả mà chưa tìm hiểu tác dụng thật sự của dịch vụ y tế.
Có những người thắc mắc tại sao chỉ đau bụng và được chỉ định mổ ruột thừa (chi phí khoảng 3 triệu đồng) nhưng xét nghiệm, siêu âm tim, siêu âm mạch cảnh, chụp chiếu lại hết 5-7 triệu đồng. “Thực tế, với trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, việc chỉ định các kỹ thuật ấy chính là hệ số an toàn của ca mổ, đánh giá các nguy cơ để bảo đảm ca mổ diễn ra tốt nhất. Nếu thầy thuốc cứ làm các kỹ thuật theo bậc thang thì có thể bệnh nhân sẽ bị rủi ro, mất thời gian và tốn kém hơn nhiều” - bác sĩ Hùng dẫn chứng.
Không được lựa chọn
Ông Lê Văn Phúc cho rằng không giống các ngành nghề khác là người sử dụng có thể lựa chọn, với dịch vụ y tế, khi vào bệnh viện thì bệnh nhân không có lựa chọn. Bác sĩ chỉ định chụp thì phải chụp, chiếu thì phải chiếu. Nhiều máy XHH chỉ qua 2-3 năm đã đòi hỏi hoàn vốn thì không loại trừ kèm theo đó là những chỉ định quá mức cần thiết và người bệnh gánh đủ.
Bình luận (0)