. Phóng viên: Hiện các địa phương đang rà soát lại các công trình thủy điện, cái nào không hiệu quả thì cương quyết loại bỏ, thưa ông?
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Việc này tiếp tục phải làm và đây là chủ trương đúng. Quy hoạch vẫn chỉ là quy hoạch. Từ quy hoạch mới lập ra dự án, khi lập dự án chi tiết mới biết là thủy điện có hiệu quả hay không.
Nếu không hiệu quả thì phải loại khỏi quy hoạch, chứ không phải nhất nhất là làm đúng quy hoạch. Như Bộ Công Thương báo cáo sẽ loại bỏ 38 thủy điện và lâu dài còn xem xét thêm.
Việc xem xét hiệu quả hay không là căn cứ vào mục tiêu chống lũ, cấp nước và sản xuất điện. Do vậy, thủy điện phải thỏa hiệp, tối ưu hóa các mục tiêu này.
. Phải chăng có sự buông lỏng quản lý khi ở thủy điện Hố Hô vừa qua bị kẹt cứng cửa xả, gây hậu quả rất lớn?
- Đúng là vậy. Nhưng thủy điện Hố Hô có đặc điểm là đang xây dựng, chưa đưa vào vận hành và thiết bị, người vận hành chưa chuẩn. Đây là việc cần rút kinh nghiệm nghiêm túc và xử lý trách nhiệm.
. Trong quy trình xả lũ thủy điện Sông Ba Hạ có nói đến việc Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra xử lý nhưng vì sao chưa thực hiện?
- Sai phạm ở thủy điện Sông Ba Hạ sẽ do doanh nghiệp xử, không đến mức ra Thanh tra Chính phủ, tòa án.
Một trong những nguyên nhân gây lụt lớn tại huyện Thạch Hà,
tỉnh Hà Tĩnh là do thủy điện xả lũ. Ảnh: KHÁNH TRÌNH
. Dư luận băn khoăn về quy trình vận hành liên hồ chưa phát huy hiệu quả, Phó Thủ tướng có ý kiến gì?
- Quy trình vận hành liên hồ được xây dựng trên cơ sở thiết kế để tính toán các lưu lượng thủy văn quá khứ cả trăm năm, từ đó đưa ra một quy trình xả lũ hợp lý, bảo đảm chống lũ, cấp nước và sản xuất điện.
Nếu nhà khoa học nào thấy bất hợp lý thì nên đề xuất góp ý để cơ quan nghiên cứu sửa chữa. Tuy nhiên, người vận hành chỉ được khuyến khích làm đúng quy trình, không khuyến khích sáng tạo bất cứ cái gì.
Để thay đổi cả quy trình là phải tính toán rất phức tạp. Ví dụ quy định trên mức nước dâng bình thường là phải xả, chứ không thể vì thương dân mà giữ lại nước là vi phạm quy trình, bởi khi vỡ hồ thì thiệt hại còn khủng khiếp hơn.
Còn khi thủy điện xả lũ cao hơn lưu lượng lũ tự nhiên về thì mức chênh chính là lũ “nhân tạo”. Đây là điểm tối kỵ và rất nguy hiểm. Qua đợt kiểm tra vừa rồi không có sai phạm này. Nếu xảy ra vi phạm này thì trưởng ca trực bị đình chỉ chức vụ ngay.
. Giám sát quy trình liên hồ có bảo đảm chặt chẽ?
- Cấp địa phương là giám sát tốt nhất đối với quy trình từng hồ; còn quy trình liên hồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì xây dựng quy trình liên hồ - phải thực hiện giám sát, theo dõi đánh giá.
Vừa rồi đã có nhiều đoàn kiểm tra từ tài nguyên và môi trường, công thương, hội thủy lợi... cho thấy các hồ chứa đều làm đúng quy trình vận hành nhưng phối hợp hạ lưu liên hồ thì chưa tốt.
Bình luận (0)