Phần trả lời chất vấn trên nghị trường chiều 22-11 của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu có không khí khá sinh động, tập trung vào các vấn đề giảm tải ở các bệnh viện lớn, quản lý giá thuốc, bảo hiểm y tế...
6.000 bệnh nhân nằm ghép/ngày
“Trong lần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XI, bộ trưởng có hứa trong nhiệm kỳ sẽ chỉ đạo chấm dứt tình trạng một giường bệnh có đến 2 - 3 bệnh nhân.
Tuy nhiên, nay sắp mãn khóa QH và kết thúc nhiệm kỳ của bộ trưởng nhưng việc giảm tải không những không đạt mà còn trầm trọng hơn. Vậy trách nhiệm của bộ trưởng như thế nào với việc thực hiện lời hứa của mình trước QH, cử tri?”.
Trước chất vấn thẳng này của đại biểu (ĐB) Trần Thị Kim Phương (Hà Tây), Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu “cải chính” ngay: “Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Y tế chưa bao giờ nói rằng chấm dứt nằm ghép trong 2, 3 hay 4 năm”.
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã dẫn lại băng trả lời chất vấn của ông tại kỳ họp thứ hai để nói rằng Bộ Y tế quyết tâm giảm được bao nhiêu tình trạng bệnh nhân nằm ghép thì đỡ khổ cho dân bấy nhiêu. Trên thực tế, có những bệnh viện như Bệnh viện Việt - Đức, Thanh Nhàn... ở Hà Nội hay Bệnh viện Trung ương Huế đã chấm dứt việc nằm ghép sau 1-2 năm nhưng có bệnh viện phải mất 5-7 năm nữa...
Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TPHCM luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thừa nhận tình trạng bệnh nhân nằm ghép vẫn là thực tế cần giải quyết cho dù số bệnh nhân nằm ghép đã giảm từ 15.000 người/ngày năm 2008 xuống còn khoảng 6.000 người/ngày trên cả nước hiện nay.
Sau khi dẫn ra một loạt nguyên nhân khiến chưa khắc phục được, bộ trưởng đưa ra một loạt giải pháp như giảm số ngày điều trị (Bệnh viện K Hà Nội giảm từ 30 ngày xuống 24 ngày); giảm diện tích hành chính, tăng diện tích giường bệnh; tăng chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới...
Trả lời ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng những giải pháp mà ông đề cập vẫn là những giải pháp tình thế nhưng tình thế kéo dài. “Giải pháp cơ bản lâu dài là phải xây dựng thêm bệnh viện và đào tạo đủ thầy thuốc cho miền núi, vùng sâu, vùng xa” - bộ trưởng cho biết.
Kê đơn nhận hoa hồng: Giảm
Đề cập vấn đề nhân dân bức xúc thời gian qua, ĐB Dương Kim Anh(Trà Vinh) chất vấn: “Tình trạng bác sĩ kê đơn và cán bộ quản lý hưởng hoa hồng phổ biến ở các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương, bộ trưởng đánh giá về vấn đề này như thế nào có giải pháp gì để khắc phục trong thời gian tới?”.
“Khoảng trống của pháp luật”
Cho rằng do hướng dẫn thủ tục không rõ ràng, cụ thể, không thống nhất giữa cơ quan chủ trì là Bộ Y tế với Bộ Tài chính, Bộ Công an và Bảo hiểm Xã hội VN nên người có bảo hiểm y tế bị tai nạn giao thông mòn mỏi chờ trông việc thanh toán chi phí khám chữa bệnh khiến cử tri quá bức xúc, ĐB Nguyễn Đình Liêu(Ninh Thuận) chất vấn khi nào mới ban hành văn bản hướng dẫn mới. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng vấn đề này mắc ở... liên bộ.
Theo bộ trưởng, thông tư liên tịch (Thông tư 09 ngày 14-8-2008) có một bộ không đồng ý thì bộ kia “coi như cứ đứng ngắm thôi”. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thẳng thắn cho rằng đây là một “khoảng trống của pháp luật”. |
Bộ trưởng thừa nhận chuyện kê đơn nhận hoa hồng có thể có và thường rơi vào những bác sĩ giỏi và có tiếng song tình trạng này đã giảm rất nhiều. Sau khi dứt khoát tỏ quan điểm “mua 10 cái áo thì có thể biếu 1 cái nhưng nếu mua thuốc bằng ngân sách Nhà nước mà trung gian ăn hoa hồng thì không được”, bộ trưởng cho biết ngành y tế đã kiểm tra rất ráo riết và gắt gao nên giảm rất nhiều. Không chỉ đưa ra quy chế ứng xử, ngành y còn gắn vấn đề này trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Trước chất vấn của ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) về trách nhiệm quản lý Nhà nước khi để giá thuốc trở thành vấn đề bức xúc trong nhân dân thời gian dài vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho rằng giá thuốc chỉ tăng 3,2% trong 10 tháng đầu năm nay trong khi cùng thời gian, giá trung bình của 11 mặt hàng thiết yếu tăng 8,6%.
Phân tích vì sao giá thuốc tăng trung bình như vậy mà nhân dân vẫn bức xúc, bộ trưởng cho biết giá tăng mạnh chủ yếu là 5% số thuốc thuộc “thị trường không hoàn hảo” (chưa đủ số lượng sản xuất, kinh doanh đủ nhiều để cạnh tranh, để khống chế giá) với các loại thuốc mới phát minh và đặc trị.
“Ví dụ thuốc viêm gan C mấy triệu đồng/ống, thuốc chống ung thư 8, 9, 10 triệu đồng/ống, thuốc thụ tinh nhân tạo cũng hàng chục triệu đồng” - ông dẫn chứng.
Giải quyết nỗi bức xúc của nhân dân với giá thuốc, bộ trưởng cho biết bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng với tham tán thương mại ở nước ngoài để tìm được giá trần.
“Tìm được giá trần thì phần nào thực hiện được trách nhiệm của Nhà nước là kiểm soát giá” - bộ trưởng phát biểu.
Bình luận (0)