Hai vụ việc "gây bão" dư luận trong những ngày qua là quán ăn "chặt chém" ở Đà Nẵng và lơ xe đối xử thô bạo với du khách Nga ở TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Với người Việt vốn giàu lòng nhân ái, những vụ việc thế này là không thể chấp nhận.
Những năm qua, Đà Nẵng rất nỗ lực xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện. Lợi thế bãi biển đẹp với cách làm 3 không: không rác, không hàng rong, không "chặt chém" đã giúp du lịch Đà Nẵng "lên ngôi". Nhưng những nỗ lực của một thành phố đáng sống ít nhiều bị ảnh hưởng bởi một "hạt sạn": quán ăn Mười Đô "chặt chém" khách du lịch.
Sự việc xảy ra ngày 21-7. Du khách Đào Thị Thu Hiền (Hà Nội) đưa gia đình vào ăn tại quán Mười Đô (đường Trần Bạch Đằng, quận Sơn Trà), phải thanh toán hơn 6,1 triệu đồng cho bữa ăn gồm 15 người lớn và 12 trẻ em. Nhiều món ăn trong hóa đơn có giá khá cao, như 1 dĩa mực 500.000 đồng, 1 dĩa cá chim 600.000 đồng, 1 dĩa thịt ram mặn 120.000 đồng. Chị Hiền sau đó đã "tố" quán Mười Đô "chặt chém" lên trang Facebook cá nhân. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hành chính 15 triệu đồng vì hành vi bán hàng cao hơn giá niêm yết. Đến ngày 29-7, chủ quán ăn này đã chấp hành xong quyết định xử phạt.
Thực ra, nếu so với những vụ "chặt chém" du khách ở một số địa phương bị phát hiện thời gian qua thì số tiền bán quá giá niêm yết của quán ăn Mười Đô không là bao, chỉ 240.000 đồng. Dù vậy, mức độ "dậy sóng" của dư luận cao hơn rất nhiều bởi nó làm xấu hình ảnh du lịch mà chính quyền, người dân TP Đà Nẵng gầy dựng bao lâu nay. Đó cũng là lý do sau khi sự việc xảy ra, Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Sở Du lịch và các cơ quan chức năng phải quyết liệt xử lý.
Đà Lạt cần chấn chỉnh nạn “cò đặc sản”, chèo kéo du khách Ảnh: ĐÌNH THI
Ở TP Nha Trang, ầm ĩ dư luận những ngày qua là clip phụ xe đối xử thô bạo với du khách nước ngoài. Sự việc xảy ra ngày 25-7 và một ngày sau, du khách Celine Lin (người Đài Loan) chia sẻ trên Facebook cá nhân. "Chúng ta là những người "hạng nhì" ở đấy và tôi sẽ không đến thăm nơi này nữa. Trong suốt chuyến đi, tôi không có chút cảm giác nào về an toàn" - du khách Celine Lin viết. Đến ngày 29-7, đoạn clip có gần 2 triệu lượt xem, gần 20.000 lượt chia sẻ với nhiều bức xúc về việc nhà xe làm mất đi hình ảnh thân thiện của du lịch Việt Nam.
Trong vụ việc này, nhân viên phụ xe Đặng Mậu Thanh Bình của Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nhật Chi nhánh Nha Trang có hành vi quát nạt nhóm du khách Nga. Anh này luôn miệng đuổi một nữ du khách, quăng hành lý, chử thề, rút ống sắt dọa đánh một du khách nam trong lúc cự cãi… Trước áp lực của dư luận, Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Việt Nhật Chi nhánh Nha Trang đã đuổi việc nhân viên Bình. Tuy nhiên, bà Lê Thị Mỹ Thảo, giám đốc công ty, cho rằng sự việc xảy ra là do 2 du khách Nga cư xử không đúng mực, hút thuốc, nhổ nước bọt vào người phụ xe nên mới gây ra cớ sự. Tuy nhiên, đa số ý kiến cho rằng dù du khách có quá quắt đi chăng nữa thì hành động của nhân viên nhà xe này là khó chấp nhận.
Không chỉ 2 vụ việc trên, tình trạng trộm cắp, lừa lọc, ứng xử kém văn hóa, hành hung du khách... đang xảy ra khá phổ biến, làm xấu hình ảnh người Việt trong mắt bạn bè quốc tế.
Sáng 31-6, bà Trần Ngọc Bích (44 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) cùng cháu đến TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng thuê xe máy đi tham quan và bị "cò mứt" "dụ" mua dâu tại vườn với giá 20.000 đồng/kg. Hai dì cháu bà Bích đi theo người này về lò mứt Băng Như (đường Phù Đổng Thiên Vương, TP Đà Lạt). Để được vào vườn dâu, bà Bích buộc phải mua đặc sản và bà chọn chai nước cốt dâu với giá 100.000 đồng. Khi vào vườn dâu, bà Bích mới biết giá dâu mua tại vườn là 150.000 đồng/kg, không như "cò mứt" nói. Do đó, bà trở ra, xin trả chai nước cốt dâu để lấy lại tiền. Trong lúc lời qua tiếng lại, bà Bích bị chủ lò mứt và nhân viên đánh chấn thương ở đầu. Sự việc nghiêm trọng đến mức Thủ tướng sau đó yêu cầu chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng "cò" đặc sản lộng hành ở Đà Lạt nhằm bảo vệ an ninh, trật tự xã hội, an toàn cho người dân và du khách cũng như khôi phục hình ảnh, uy tín, thương hiệu du lịch Đà Lạt.
Hẳn nhiều người còn nhớ vào tháng 9-2015, tại Quảng Bình, nữ du khách Kelly Emma Kirsty (quốc tịch Anh) đi du lịch tại hang Tối thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã bị 2 nhân viên nơi đây hành hung, đe dọa, đòi tiền chuộc lại chiếc máy ảnh đánh rơi. Chị Kirsty bức xúc chia sẻ việc mình bị đối xử thô bạo trên trang mạng Tripadvisor. Những hình ảnh ghi lại cảnh 2 người đàn ông "tự sướng" sau khi lấy máy ảnh của chị được chia sẻ trên mạng gây phẫn nộ dư luận. Ngành du lịch Quảng Bình gần như "nuốt" trọn "trái đắng" trong vụ này khi cả 2 người cùng hành nghề du lịch. Đó là Nguyễn Mạnh Hùng, hướng dẫn viên của điểm du lịch Phong Nha Farmstay và Nguyễn Bình Khánh, hướng dẫn viên của Trung tâm Du lịch Phong Nha.
Nhắc lại vụ việc này, một lãnh đạo Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng nói không có bài học nào giống bài học nào khi vẫn còn đấy những người thiếu ý thức, hành xử kém văn hóa, tự mình làm xấu hình ảnh người Việt và "giết chết" du lịch. "Rất may là trong gần 2 năm trở lại đây không có trường hợp nào tái phạm hay bị tố cáo. Chúng tôi đã và đang xây dựng hình ảnh thân thiện, chuyên nghiệp trong mắt du khách" - vị này bày tỏ.
Nhanh chóng thay đổi tư duy
Liên quan đến tình trạng "cò đặc sản" lộng hành và một số vụ việc quán ăn đối xử tệ với du khách vừa xảy ra ở Đà Lạt, trong buổi làm việc với Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng Nghề du lịch Đà Lạt vào chiều 28-7, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng TP Đà Lạt cần có biện pháp chấn chỉnh những hành vi vi phạm, làm tổn hại đến du lịch. "Trong thời đại mà mọi ngành nghề, nhất là du lịch, đang có những chuyển biến mạnh mẽ như hiện nay, phải nhanh chóng thay đổi tư duy để theo kịp. Những gì xấu xí ảnh hưởng đến ngành du lịch vừa qua, chúng ta phải rút kinh nghiệm, xem đó là một bài học để cải tiến đi lên" - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
Ông TRẦN CHÍ CƯỜNG, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng:
Bêu tên nhà hàng, quán ăn vi phạm
Sau khi xảy ra vụ việc quán ăn Mười Đô bán quá giá niêm yết, Sở Du lịch TP Đà Nẵng nhận ngay công văn của Thành ủy Đà Nẵng, chỉ đạo phải xác minh, xử lý, kịp thời chấn chỉnh để giữ gìn môi trường du lịch của Đà Nẵng. Phát triển du lịch bền vững phải tạo ra các sản phẩm du lịch tốt, xây dựng điểm đến an toàn, thân thiện cho du khách.
Cũng từ vụ việc trên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh yêu cầu cần có biện pháp bêu tên quán ăn, nhà hàng Mười Đô trên biển hiệu đèn LED để du khách biết. Đây là biện pháp cần thiết, rất hiệu quả. Đèn LED này đã được lắp đặt trên đường Phạm Văn Đồng, ngay Công viên Biển Đông. Đây là vị trí khách du lịch dễ dàng thấy nhất.
Ông NGUYỄN VĂN THÀNH, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch tỉnh Khánh Hòa:
Tránh "ăn xổi ở thì"
Để níu giữ du khách quay lại, điều quan trọng nhất là phải có uy tín, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tránh việc "ăn xổi ở thì". Cơ quan quản lý cần thường xuyên kiểm tra các cơ sở lưu trú, yêu cầu công khai bảng giá, kịp thời chấn chỉnh nạn cò du lịch, trộm cắp... Có thể thành lập các tổ khách sạn, tổ xe ôm, tổ đơn vị vận chuyển, tổ lữ hành, tổ hướng dẫn viên tự quản…; cam kết thực hiện du lịch văn minh, thân thiện, văn hóa, bán đúng giá, nếu khách sạn nào vi phạm sẽ có các chế tài xử lý cả nhóm, cả tổ. Các thành viên trong nhóm này sẽ giám sát lẫn nhau.
Bà NGUYỄN THỊ LÊ THANH, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa:
Cộng đồng cùng góp sức xây dựng
Hành động của phụ xe xảy ra ngay TP du lịch Nha trang là không đúng mực. Tuy nhiên, các đơn vị vận tải không phải là đơn vị làm du lịch chuyên nghiệp nên khó tránh khỏi chuyện không hay xảy ra. Du lịch là một ngành đòi hỏi tất cả cộng đồng cùng góp sức xây dựng. Xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện, mến khách không chỉ là trách nhiệm của các hãng lữ hành, cơ sở lưu trú, cơ quan quản lý du lịch mà còn của đơn vị vận chuyển, các trung tâm thương mại, dịch vụ nhà hàng và nhất là người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương ở điểm du lịch đó.
B.Vân - K.Nam ghi
Bình luận (0)