Sáng 3-7, lãnh đạo TP HCM đã gặp gỡ hơn 150 đại diện doanh nghiệp (DN) để lắng nghe, trao đổi kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết 35) về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020.
Né góp ý về thủ tục thuế
Cũng như tinh thần cuộc gặp vào đầu tháng 3-2016, tại buổi làm việc, lãnh đạo TP HCM đã khuyến khích các DN mạnh dạn góp ý về những khó khăn, vướng mắc và “đặt hàng” TP cần thay đổi gì để biến tiềm năng thành hiện thực.
“Nếu hỏi DN cần gì lúc này thì DN trong hay ngoài KCN đều sẽ trả lời là cần vốn, mặt bằng, lao động… nhưng trên hết là rất cần cải thiện môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, xóa bỏ những rào cản về giấy phép con gây cản trở DN” - ý kiến của ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN KCN TP HCM, đã nhận được sự đồng tình của hầu hết đại diện DN tại hội trường.
Ông Nguyễn Văn Bé cho biết DN rất trông chờ từ ngày 1-7, nhiều thủ tục hành DN sẽ được bãi bỏ. Hai năm nay, nhà nước liên tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính nhưng thực chất chưa cải thiện được bao nhiêu. Về cơ bản, luật không có gì lớn để sửa chữa nhưng nghị định, thông tư thì đầy vướng mắc. Mới đây, Tổng cục Thuế mời DN góp ý làm sao cải thiện được thời gian thực hiện thủ tục thuế, nhờ hiệp hội giới thiệu DN gặp vướng để làm việc trực tiếp. Thế nhưng, khi hiệp hội hỏi, không DN nào dám nhận lời vì cho rằng có nói cũng không thay đổi được gì.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su Nhựa TP HCM, kiến nghị TP có chính sách giúp DN an tâm làm ăn. Theo ông Nguyễn Quốc Anh, DN làm ăn đã rất căng thẳng nhưng luôn bất an vì văn bản pháp luật mới ra liên tục, hôm nay quy định thế này, mai thế khác. Việc hoàn thuế lâu lâu lại trục trặc.
“Nghị quyết 35 nói nhiều đến hỗ trợ DN vừa và nhỏ nhưng TP HCM chưa quan tâm đến vấn đề này. Cụ thể, nghị quyết đề cập hỗ trợ đất đai, vốn cho DN vừa và nhỏ nhưng chưa thấy TP đề cập. Làm thế nào cho DN vừa và nhỏ tiếp cận được đất đai với chi phí hợp lý, thanh toán kéo dài thì DN mới hoạt động được” - ông Nguyễn Quốc Anh kiến nghị.
Phục vụ doanh nghiệp vô điều kiện
Một trong những mục tiêu của TP HCM trong việc thực hiện Nghị quyết 35 là đến năm 2020, toàn TP sẽ có 500.000 DN. Một số đại diện DN cho rằng đây là mục tiêu đầy tham vọng vì chỉ còn 4 năm nữa để tăng hơn gấp đôi số DN đang hoạt động.
Theo ông Võ Tấn Thịnh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Cáp điện Thịnh Phát, không nhất thiết phải chạy đua theo con số 500.000 DN mà nên hỗ trợ phát triển những DN đầu ngành, chọn ra DN tốt để hỗ trợ thành DN lớn, tập đoàn. Còn ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng mục tiêu có 500.000 DN tại TP HCM vào năm 2020 là mơ hồ và khó thực hiện. TP HCM có 12 triệu dân, nếu có 500.000 DN thì cứ 4 gia đình sẽ có 1 gia đình kinh doanh, điều đó không hợp lý.
Trả lời kiến nghị của các DN, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng khẳng định mục tiêu 500.000 DN vào năm 2020 hoàn toàn không viển vông mà có thể đạt được nếu có quyết tâm. “Ở những nước phát triển, bình quân 10 người dân có 1 DN. TP HCM phải có 500.000 DN nhưng cũng phải nâng cao chất lượng DN, xây dựng thương hiệu lớn, đầu tàu. Hiện bình quân 1 tháng có 3.000 DN thành lập mới, làm sao tăng tỉ lệ DN thành lập mới lên, giảm DN ngừng hoạt động và chuyển đổi 250.000 hộ kinh doanh cá thể lên thành DN” - ông Đinh La Thăng nhấn mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo TP HCM một lần nữa cam kết luôn đồng hành, chia sẻ, luôn phục vụ DN vô điều kiện nhưng cần có thời gian để bộ máy hoạt động tốt hơn. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị các sở, ngành lắng nghe ý kiến của DN để hoàn chỉnh dự thảo kế hoạch thực hiện Nghị quyết 35.
Ông Phong cũng cho rằng DN cần nâng cao tính chủ động trong hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau; tiếp tục tái cơ cấu, đặc biệt về năng lực tài chính, quản trị, đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực để có thể vượt qua những rào cản, thách thức. Đặc biệt, tăng cường vai trò của các hiệp hội để hiệp hội thực sự là kênh kết nối giữa DN và chính quyền TP HCM nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cần vốn để nâng sức cạnh tranh
DN sản xuất đang gặp rất nhiều khó khăn bởi các kênh phân phối hiện đại đều do DN nước ngoài quản lý hoặc mua lại. Nếu không chen chân được vào các kênh phân phối hiện đại, DN trong nước sẽ khó cạnh tranh, tồn tại.
Ngay cả kênh bán lẻ nội địa, DN sản xuất cũng khó đưa hàng vào do tỉ lệ chiết khấu quá cao, phải quen biết và phải có tiềm lực để chịu đựng trong dài hạn. Để cạnh tranh, các DN phải đầu tư đổi mới máy móc, công nghệ, nâng cao quản trị nhưng muốn vậy thì phải có vốn. Phần lớn DN vừa và nhỏ hiện tiếp cận vốn rất khó, làm sao tính chuyển đổi mới công nghệ, nâng sức cạnh tranh? Vì vậy, rất cần những chính sách của nhà nước hỗ trợ DN tiếp cận vốn.
Ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty May Minh Long Hưng
Doanh nghiệp cần được tôn trọng
Vài năm trước, DN tôi từng gặp cảnh đang làm việc với đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm của quận ở phòng trong thì ngoài sảnh, một đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cấp TP bước vào!
Đây là sự chồng chéo không cần thiết. Đến giờ, các DN vẫn bị làm khó bởi các đoàn kiểm tra chuyên ngành của các sở, ban, ngành dù nhiều DN luôn làm tốt và không bị vi phạm gì. Mỗi lần bị kiểm tra, DN có cảm giác mình như mắc lỗi. Gần đây, nhà nước đề cập việc hạn chế kiểm tra hoặc mỗi năm chỉ kiểm tra tối đa 1 lần nếu DN không mắc sai phạm. Tôi nghĩ là cần thiết bởi các DN cũng cần được tôn trọng. Càng đơn giản thủ tục hành chính càng tốt.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt
T.Phương ghi
Bình luận (0)