Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 62/2013 của Quốc hội (QH) về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện gửi đến kỳ họp QH thứ 2.
Nhiều thủy điện có vấn đề
Theo Nghị quyết 62, từ năm 2014 đến 2016, Bộ Công Thương tổ chức 35 đoàn trực tiếp kiểm tra tại các tỉnh và 3 tổng công ty phát điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; kiểm tra công tác nghiệm thu các hạng mục công trình phục vụ tích nước hồ chứa cho dự án thủy điện trên địa bàn các tỉnh Điện Biên, Đắk Nông, Hà Tĩnh…
Qua đó, Bộ Công Thương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc thang và 463 dự án thủy điện nhỏ do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường - xã hội, hiệu quả thấp, ảnh hưởng đến quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện.
Đối với các dự án còn lại, sau khi đã loại bỏ khỏi quy hoạch, Bộ Công Thương yêu cầu các tỉnh tiếp tục xem xét thu hồi chủ trương đầu tư với các dự án quá hạn theo giấy chứng nhận đầu tư được cấp mà chủ đầu tư không triển khai. Các dự án thuộc danh mục được đầu tư trong giai đoạn 2015 - 2020 và đang trong quá trình nghiên cứu đầu tư giai đoạn sau năm 2020 vẫn được tiếp tục rà soát, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả nghiên cứu đầu tư để có phương án điều chỉnh hợp lý hoặc xem xét thu hồi để loại khỏi quy hoạch.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các tỉnh kiểm tra các dự án quy mô vừa và nhỏ, đặc biệt là kiểm tra công tác quản lý chất lượng xây dựng tại các dự án nhỏ do tư nhân đầu tư tại Sơn La, Thanh Hóa, Quảng Nam, Lâm Đồng, Đắk Nông, Lào Cai, Lai Châu, Bình Định. Qua kiểm tra, đoàn công tác phát hiện một số vi phạm các quy định về quản lý chất lượng xây dựng, quy trình vận hành hồ chứa bằng cách tự ý xây tường cơi nới đập và chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn lao động trong khi thi công. Đoàn công tác đã lập biên bản yêu cầu tạm dừng thi công, đến khi bảo đảm các yêu cầu theo quy định mới được tiếp tục triển khai. Đối với dự án tự ý cơi nới đập, yêu cầu đập bỏ và khôi phục hiện trạng...
Điều đáng nói, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, các sở công thương chưa có hoặc còn ít cán bộ có chuyên môn liên quan đến quản lý chất lượng công trình xây dựng. Vì thế, việc quản lý chất lượng công trình chưa đáp ứng yêu cầu công việc.
Vẫn chưa yên tâm
Bộ Công Thương cho hay qua kiểm tra cho thấy hầu hết các chủ đập thủy điện đều thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về an toàn đập ở các địa phương chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số chủ đầu tư thủy điện chưa thực hiện đầy đủ các quy định về phương án phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn đập; phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du đập chưa cập nhật các quy định; việc phối hợp đôn đốc, chỉ đạo của các ngành và địa phương chưa thường xuyên và chặt chẽ.
Kết quả kiểm tra hiện trạng an toàn đối với các đập, hồ chứa lớn xây dựng sau năm 2000 cho thấy việc thiết kế, thi công cơ bản bảo đảm an toàn theo quy chuẩn. Hiện còn 422/700 đập, hồ chứa lớn và các đập, hồ chứa nhỏ xây dựng từ trước những năm 2000 tính toán thiết kế theo tiêu chuẩn cũ chưa được kiểm tra, đánh giá khả năng chống lũ theo quy chuẩn mới nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Cả nước có 306 công trình thủy điện với tổng công suất lắp máy 15.474,3 MW đang vận hành phát điện, 193 dự án (5.662,66 MW) đang thi công, 245 dự án (3.006 MW) đang nghiên cứu đầu tư, 59 dự án (421,88 MW) quy mô nhỏ đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác liên quan.
Quốc hội thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng
Bước vào tuần làm việc thứ hai, QH sẽ nghe và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đấu giá tài sản, Dự án Luật Về hội; thảo luận về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự; nghe Chính phủ trình bày tờ trình Dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi).
QH cũng sẽ nghe báo cáo công tác năm 2016 của Chánh án TAND Tối cao, báo cáo công tác năm 2016 của Viện trưởng VKSND Tối cao.…
V. Duẩn
Bình luận (0)