Trường hợp của ông Nhân không phải là cá biệt. Đã có ít nhất hàng trăm cán bộ, công chức sử dụng bằng cấp giả bị phát hiện trong thời gian qua. Các phương tiện truyền thông từng đưa tin chỉ riêng tỉnh Cà Mau từng có đến trên 70 cán bộ, giáo viên bị buộc thôi việc, nhiều cán bộ huyện bị kỷ luật vì liên quan đến văn bằng không hợp pháp. Nhiều cán bộ chủ chốt huyện, xã ở một số địa phương khác như: Bạc Liêu, Đắk Nông, Thanh Hóa… cũng dính vào bê bối này.
Tình trạng cán bộ, công chức nhà nước xài bằng cấp giả đã thành chuyện phổ biến. Trên phương diện pháp luật, những người này đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Luật Cán bộ, Công chức. Về mặt xã hội, chính họ đã làm rạn vỡ nền tảng đạo đức, băng hoại nhân cách, xói mòn lòng tin của người dân. Làm sao người dân có thể tin họ được khi những “công bộc” thiếu trung thực, tự lừa dối bản thân, dối trên lừa dưới. Một khi con người ta đã không trung thực với chính mình thì sẽ chẳng bao giờ trung thực với ai, càng không thể dành hết tâm trí, sức lực cho cộng đồng. Vậy nên, đối với số cán bộ, công chức đó, mục tiêu hướng đến của họ là “chui sâu, trèo cao” vào bộ máy công quyền cốt đạt được danh lợi để vun vén cho bản thân, gia đình.
Nhiều năm qua, Đảng và nhà nước đã có nhiều cố gắng trong công tác cải cách hành chính nhằm tăng hiệu năng của bộ máy công quyền, giảm tối đa tình trạng thủ tục nhiêu khê, người dân bị nhũng nhiễu; tiến tới xây dựng một xã hội phát triển, văn minh. Thế nhưng, nỗ lực cải cách ấy nhiều lúc, nhiều nơi vẫn cứ trì trệ, kém hiệu quả. Nguyên nhân được chỉ ra là do một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trình độ, trong số này có người “học giả - bằng thật” hoặc “học giả - bằng giả”.
Một xã hội văn minh với trình độ dân trí ngày càng cao thì không thể dung dưỡng những cán bộ, công chức thiếu trình độ, sử dụng bằng gian, bằng giả. Nhóm gian dối này chính là lực cản lớn đối với sự phát triển của đất nước. Vậy giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng sử dụng bằng cấp giả?
Đó chính là phải thay đổi phương thức tuyển dụng theo hướng công khai, minh bạch; thậm chí tiến tới “phổ cập” thi tuyển chức danh như một vài địa phương đã thực hiện trong thời gian qua. Làm được điều này cũng đồng thời giải quyết được mâu thuẫn vốn gây bức xúc lớn trong dư luận, là có những người đủ trình độ chuyên môn, tư cách đạo đức nhưng không được tuyển dụng vào bộ máy hành chính công; ngược lại nhiều cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, chiều cắp về” vẫn được hưởng lương, bổng lộc từ những đồng tiền thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của dân.
Ngoài ra, cần tiến hành rà soát thực chất trên diện rộng hồ sơ đầu vào của đội ngũ cán bộ hiện nay và xử phạt thật nghiêm, thật nặng những trường hợp mắc sai phạm. Tốt hơn cả là thẳng tay loại bỏ các cán bộ dùng bằng giả ra khỏi bộ máy chứ đừng “chuyển đổi công tác” rồi đâu lại vào đấy…
Bình luận (0)