Mở màn phiên chất vấn vào sáng 16-8, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) cùng đặt lên bàn nghị sự hàng loạt vấn đề nổi cộm về quản lý xây dựng như chất lượng quy hoạch đô thị; trách nhiệm của Bộ trưởng trong quản lý đô thị.
Có lúc buông lỏng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhìn nhận quy hoạch xây dựng vẫn còn hạn chế như chất lượng lập quy hoạch có tầm nhìn chưa bảo đảm, chưa phù hợp thực tiễn, còn thiếu đồng bộ, quy hoạch treo...
Nguyên nhân là do các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chưa tốt chức trách được giao; chưa công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế; nặng về quản lý... "Tôi thừa nhận có lúc, có nơi buông lỏng quy hoạch. Về tổng thể thì không có việc trục lợi nhưng ở một số địa chỉ cụ thể thì có biểu hiện trục lợi, lợi ích nhóm" - ông Hà nói.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn vào sáng 16-8
Đặc biệt, theo người đứng đầu ngành xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện ở nhiều địa phương cũng gây ra dư luận hiểu là do lợi ích nhóm. Vì vậy tới đây, Bộ Xây dựng sẽ bám sát việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng để hiệu quả, khả thi và ngăn chặn tình trạng điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, tiêu cực, lợi ích nhóm trục lợi.
Cắt ngọn tòa nhà 8B Lê Trực
Về công trình xây dựng không phép, trái phép mà ĐBQH chất vấn, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa nhận đây là thực tế đang diễn ra. Năm 2016 có 13% số công trình xây dựng là sai phép, không phép, với 15.000 sai phạm. Nguyên nhân là chủ đầu tư cố tình vi phạm, trong khi hoạt động thanh - kiểm tra không kịp thời.
Tham gia trả lời chất vấn cùng với Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thừa nhận có vi phạm trên địa bàn. Về công trình 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), ông Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm vì để xảy ra chậm trễ trong việc xử lý sai phạm. Hiện công trình 8B Lê Trực đã hạ được toàn bộ tầng 19 và Bộ Xây dựng đang mời các nhà khoa học thẩm định phương án kỹ thuật cắt các tầng vi phạm còn lại. "Tôi xin hứa với Chủ tịch QH, Chính phủ, TP Hà Nội sẽ phối hợp Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ cắt ngọn tòa nhà 8B Lê Trực và kiên quyết xử lý nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ" - ông Chung cam kết.
Đối với chất vấn về lấn chiếm đất công, đất rừng đặc dụng, đất nông nghiệp, kể cả đất quốc phòng - an ninh..., Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng có tình trạng sử dụng đất trong đô thị chưa hiệu quả, đặc biệt là tình trạng nôn nóng, mở rộng diện tích đô thị, dẫn tới phân tán, sử dụng đất chưa hiệu quả, lấn chiếm.
TP HCM cần lộ trình xử lý ùn tắc giao thông
Tại phiên chất vấn, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho biết đến năm 2017, dân số TP HCM lên đến 13 triệu người, có khoảng 7,6 triệu xe máy và 700.000 ô tô. "Giải quyết ùn tắc giao thông chỉ có thể phát triển mạnh hệ thống giao thông công cộng. Nhưng nguồn vốn ngân sách không có khả năng, chỉ có thể dựa vào vốn ODA và đầu tư theo hình thức PPP" - ông Phong nói.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, tình trạng ngập của TP HCM do nhiều nguyên nhân như thủy triều, nước biển dâng, tác động biến đổi khí hậu... Ngập cũng một phần do quản lý yếu kém và cuối cùng là ý thức của người dân. Cả ùn tắc giao thông và ngập nước cần có lộ trình để xử lý, chứ không thể ngay trong thời gian này.
Bình luận (0)