Đến trưa 17- 10, anh Lê Bá Hoạt (SN 1981) trú tại thôn Đông Hải, xã Hoằng Thành, huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) và 2 thuyền viên khác là anh Nguyễn Duy (SN 1990, quê Thanh Hóa), Vũ Như Thắng (SN 1964, quê Hải Dương) đã được người thân và Công ty TNHH Trường Thành đón từ Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) về văn phòng của công ty nghỉ ngơi. Hiện chỉ còn thuyền viên Nguyễn Ngọc Thành (SN 1989, trú tại tỉnh Hải Dương) ở lại bệnh viện tiếp tục điều trị do sức khỏe chưa hồi phục hoàn toàn.
Họ là những thuyền viên của tàu hàng HD-2155 sống sót kì diệu sau gần 40 giờ trôi dạt trên chiếc bè phao giữa trùng khơi. Họ trở về trong vòng tay nồng ấm và những giọt nước mắt đầy hạnh phúc của người thân.
Dáng vẻ còn mệt mỏi, nhưng ánh mắt của Lê Bá Hoạt vẫn lộ vẻ hạnh phúc khi kể lại hành trình trở về từ cõi chết của mình. “Đêm 14-10, khi nước lũ từ thượng nguồn sông Gianh tràn về rất dữ, 3 trong số 5 chiếc tàu hàng của chúng tôi neo trên sông bị đứt dây neo trôi tự do. Tàu của tôi có 5 người nhưng một anh đã kịp nhảy sang chiếc tàu khác”.
Anh Hoạt được chăm sóc tại bệnh viện sau khi sống sót
Đến khoảng 2 giờ ngày 15-10, khi chiếc tàu HD-2155 chìm dần trên biển, anh Hoạt cùng với 3 thuyền viên khác đành phải lấy một chiếc bè phao từ trên tàu thả xuống nước, lấy điện thoại và một số vật dụng rồi nhảy xuống bè bởi không còn cách nào khác.
Chiếc bè phao chỉ rộng hơn 1 m2, những thuyền viên mỗi người phải bám vào mỗi góc trong tình trạng chỉ còn phần đầu ngoi trên mặt nước để thở. Biển động dữ dội do trời mưa to, gió lớn nên chiếc bè phao lúc thì bị đẩy lên phương Bắc, lúc lại hướng xuống Nam. Rồi không ít lần sóng lớn xô chiếc bè vào sát bờ rồi lại đẩy ra. Những lần biển êm, họ lại tranh thủ trèo lên chiếc bè, thay nhau nằm nghỉ để lấy lại sức chống chọi với các con sóng tiếp theo. “Sau mỗi con sóng chúng tôi dường như gần như kiệt sức nhưng vẫn động viên nhau gượng dậy để đối mặt với những cơn sóng khác. Các con sóng cứ liên tục ập đến, chúng tôi chỉ biết nghĩ đến gia đình, vợ con để bám lấy chiếc phao với hy vọng sống sót. Trong những ngày trôi dạt, những vật dụng kịp mang theo đều bị sóng cuốn trôi, điện thoại bị ngâm nước nên không thể liên lạc với ai”-anh Hoạt kể lại.
Còn anh Nguyễn Duy kinh hoàng kể lại: “Chiếc bè quá nhỏ cho 4 con người, khi ra giữa biển nó chỉ như một chiếc lá, chỉ cần một con sóng là mọi người đủ no nước, kiệt quệ sức lực. May mà trời có mưa nên chúng tôi có nước uống mới sống được”.
Trong những ngày lênh đênh trên biển, nhiều lần gặp các tàu chở hàng chạy qua, họ đã đưa tay ra hiệu, dùng hết sức hét lên để kêu cứu nhưng do khoảng cách quá xa, biển rộng mênh mông nên không ai phát hiện. "Khi phát hiện có tàu hàng ở xa, niềm hy họng lại nhen nhóm nhưng khi tàu qua chúng tôi lại thất vọng tràn trề"-anh Hoạt kể lại.
Đến khoảng 17 giờ ngày 16-10, khi trời yên biển lặng, 4 thuyên đã dùng hết sức mình bơi vào bờ biển xã Ngư Thủy Bắc, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình sau khi bị trôi dạt hơn 100 km trong gần 40 giờ đồng hồ. “Lên bờ, chúng tôi cố gắng dìu nhau đi vào làng và được người dân ở đó sơ cứu, cho ăn uống, tắm rửa và lực lượng chức năng đưa đi cấp cứu ở bệnh viện. Đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa tin rằng mình có thể sống sót sau hơn 40 giờ trôi dạt”-anh Hoạt kể.
Từ khi nhận được thông tin anh Lê Bá Hoạt mất tích cùng chiếc tàu hàng, người vợ anh là chị Lê Thị Hường đã tức tốc vào Quảng Bình để ngóng chờ. Rồi những ngày đó dù khóc hết nước mắt, dù đôi chân đã rệu rã, nhưng chị vẫn rải bước dọc bờ biển huyện Bố Trạch, thị xã Ba Đồn để tìm kiếm thông tin chồng. “Lúc đó dù ai cũng nghĩ sự sống sót của các anh em trên tàu là rất nhỏ nhưng tôi vẫn hi vọng có sự màu nhiệm và cuối cùng đã thành hiện thực”-chị Hường xúc động kể lại.
Vừa đón xe từ Đắk Lắk về Quảng Bình, bà Nguyễn Thị Lý (dì ruột của chị Hường) đã òa khóc khi nhìn thấy đứa cháu rễ của mình vẫn sống sót sau nhiều giờ lênh đênh trên biển. “Cả gia đình ai cũng nghĩ Hoạt sẽ không thể sống được, chỉ hy vọng tìm được thi thể nhưng cuối cùng thì những lời cầu nguyện của chúng tôi đã thành hiện thực”-bà Lý xúc động.
Bình luận (0)