Báo cáo thẩm định đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã tính thiếu khá nhiều chi phí. Đầu tiên, phải kể đến là 2 dự án này trực tiếp làm mất 137 ha rừng của Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên.
Rơi rớt nhiều chi phí
Theo tính toán của các nhà khoa học, giá trị tối đa của rừng nhiệt đới trên thế giới có thể tương đương 200 triệu đồng/ha/năm. Rừng của VQG Cát Tiên giàu đa dạng sinh học, nằm ở vị trí quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ và TPHCM nên giá trị kinh tế có thể gần với ước tính này. Mất mát cho phúc lợi của toàn xã hội, tức là chi phí xã hội, có được tính vào chi phí của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A?
Nước là nguyên liệu của quá trình sản xuất điện của thủy điện. Rừng trong lưu vực sông giúp bảo vệ và điều tiết nguồn nước. Nhà nước thu thuế từ người dân để bảo vệ rừng, giúp cung cấp nguồn nước cho thủy điện. Tuy nhiên, các thủy điện hiện không tính tiền nguyên liệu nước vào chi phí dự án, do đó chủ đầu tư sẽ thu được khoản lợi nhuận này từ thiệt hại của toàn xã hội.
Quá trình thi công và vận hành nhà máy điện có thể làm thay đổi hệ sinh thái, môi trường sống của các loài động vật hoang dã và cản đường cá di cư. Thủy điện Nam Choan trên sông Kwae Yai ở Thái Lan được cho là đã tiêu diệt 25/41 loài động vật tại đây, trong đó có 6 loài có nguy cơ tuyệt chủng. Giá trị thiệt hại do thủy điện gây ra cho xã hội có thể là vô cùng lớn đối với một hệ sinh thái đặc thù như VQG Cát Tiên, nơi duy nhất ở Việt Nam mà khách tham quan có thể thấy động vật hoang dã đi lại vào ban đêm.
Công trình thủy điện có thể làm thay đổi hệ sinh thái, gây nguy cơ tuyệt chủng các loài động - thực vật quý hiếm, mất mát giá trị đa dạng sinh học, nghĩa là tạo ra chi phí cho xã hội. Chi phí này cũng chưa được tính vào tổng kinh phí đầu tư 2 dự án.
Cần tính đúng, tính đủ các chi phí
Quyết định cho phép thực hiện một dự án đầu tư lớn như các công trình thủy điện, có ảnh hưởng đến các khía cạnh kinh tế – xã hội – văn hóa và môi trường, phải dựa trên tiêu chí dự án đó có làm gia tăng phúc lợi cho xã hội hay không. Dự án có lợi nhuận ròng dương không, có nghĩa là dự án khả thi về mặt kinh tế-xã hội và môi trường vì đem lại lợi nhuận cho chủ đầu tư nhưng có thể gây ra chi phí mà xã hội phải gánh chịu.
Thủy điện hiện được nhiều người xem là nguồn năng lượng rẻ tiền, còn đầu tư thủy điện có thể có hiệu quả kinh tế, đem lại lợi nhuận cao. Tuy nhiên, “rẻ” và “lợi nhuận” ở đây là kết quả dành cho chủ đầu tư chứ có thể không phải là khoản phúc lợi mà xã hội nhận được từ dự án thủy điện. Như vậy, nếu tính chung, phúc lợi cho toàn thể xã hội - bao gồm cả chủ đầu tư và người dân - có thể giảm so với khi không thực hiện dự án. Hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có thể không đáp ứng được mục tiêu phát triển bền vững và càng có thể không hiệu quả nếu dùng tiêu chí “tổng hạnh phúc quốc gia”.
Dự án chỉ nên được cho phép đầu tư khi đã tính đúng, tính đủ các chi phí nguồn nước, mất rừng, thiệt hại đa dạng sinh học và các chi phí xã hội - môi trường khác vào chi phí đầu tư, vận hành 2 công trình này mà lợi ích của nó lớn hơn tổng chi phí của chủ đầu tư và chi phí thiệt hại gây ra cho xã hội.
Xã hội sẽ phải gánh Các chi phí chủ đầu tư tính thiếu, xã hội sẽ phải gánh. Báo cáo thẩm định dự án đầu tư 2 công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A cho thấy khả thi về mặt kinh tế, đem lại lợi nhuận. Chẳng hạn, vốn đầu tư công trình thủy điện Đồng Nai 6 khoảng hơn 3.000 tỉ đồng, với công suất lắp máy 135 MW, có thể cho khoản lợi nhuận ước tính hơn 900 tỉ đồng cho suốt vòng đời dự án - không nhiều so với bình quân lợi nhuận một dự án. Tuy nhiên, xét về bản chất, phần lợi nhuận này không phải do dự án mang đến mà lấy từ phần thiệt hại của xã hội. |
Bình luận (0)