Hằng ngày, từ 15 giờ trở đi, tuyến đường Nguyễn Trãi (thuộc phường 3 và phường 2, quận 5) trở thành điểm mua sắm quen thuộc của giới trẻ với đủ loại hàng thời trang như nón, dây nịt, mũ bảo hiểm... được bày bán tràn lan trên vỉa hè, tràn xuống cả lòng đường. Người bán thấy khách đến vội lao ra mời chào, khách mua hàng vô tư đậu xe dưới lòng đường bất chấp tiếng còi xe khó chịu của người đi đường. Càng về tối, việc mua bán càng tấp nập.
Vỉa hè đường Nguyễn Chí Thanh đã hẹp còn bị hàng rong lấn chiếm khiến người đi bộ phải xuống lòng đường để đi Ảnh: THU HỒNG
Chiếm dụng triệt để
Tương tự, đường Hùng Vương (phường 9, quận 5) phía sau chợ An Đông, vỉa hè quá nhếch nhác khi các mặt hàng đồ cũ như mũ bảo hiểm, điện thoại, giày dép được bày bán kéo dài một đoạn hơn 30 m, thỉnh thoảng người bán mệt mỏi trải giấy báo nằm dài trên vỉa hè.
Đường Nguyễn Biểu (đoạn chung cư Nguyễn Biểu, phường 1, quận 5), nhiều quán ốc hoạt động huyên náo từ 18 giờ đến rạng sáng hôm sau. Thực khách thoải mái dựng xe lấn chiếm lòng lề đường, còn phục vụ quán vô tư chạy qua chạy lại bưng bê phục vụ khách. Theo ghi nhận, quán ốc Nhi chiếm hẳn sân chung cư Nguyễn Biểu, càng về đêm quán ốc càng đông, nhiều thực khách hò hét gây mất trật tự.
Điểm “nóng” trước Bệnh viện Chợ Rẫy trên đường Nguyễn Chí Thanh (một bên là phường 4, quận 11 và một bên là phường 12, quận 5), tình hình cũng không khá hơn, nhất là phía quận 11, người bán hàng rong chiếm hết vỉa hè để bày hàng, cộng thêm khách mua hàng tràn xuống đường khiến đoạn đường luôn bát nháo.
Đoạn đường Nguyễn Chí Thanh trước cổng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (phường 3, quận 10), hàng rong bán bánh mì, nước giải khát, cá viên chiên ngay dưới lòng đường khiến đoạn đường vốn hẹp càng khó lưu thông hơn.
Trên tuyến đường Nguyễn Thị Tần (phường 3, quận 8) có chợ Rạch Ông, thường xuyên đông đúc người mua bán. Ăn theo là những xe hàng rong đậu dọc 2 bên đường. Trong khoảng thời gian từ 15 giờ đến tối, người đi đường dừng xe mua hàng khiến việc lưu thông gặp khó khăn và thường xuyên xảy ra va chạm. Khi lực lượng chức năng của quận ra quân dẹp thì tình hình tạm lắng, sau đó hàng rong lại tiếp tục “đại náo” tuyến đường này.
Tương tự, vỉa hè đường Phạm Thế Hiển (phường 3, quận 8), các hàng quán như ốc, lẩu… bày biện hoành tráng từ 18 giờ trở đi, hoạt động tấp nập, đặc biệt vào những ngày cuối tuần.
Đẩy người đi bộ xuống lòng đường
Theo ghi nhận của chúng tôi, các cửa hàng để xe trên vỉa hè đường 3 Tháng 2 ít khi lấn ra khỏi vạch quy định. Tuy nhiên, đoạn từ vòng xoay Dân Chủ đến Sư Vạn Hạnh (quận 10) lại bị hàng rong lấn chiếm, từ xe bánh mì, bánh bao, nước mía đến xe đẩy bán khẩu trang, áo mưa, thuốc lá, giày dép, đồng hồ... Từng khoảnh vỉa hè bị những người bán hàng rong “xẻ” ra chiếm trọn, đặc biệt là buổi tối. Người đi bộ phải len lỏi giữa những khoảng trống còn lại để đi.
Trước cổng Học viện Hành chính Quốc gia, đội quân bán đồ bảo vệ laptop, vỏ điện thoại và những đồ phụ kiện linh tinh khác bao vây kín vỉa hè, lấn xuống cả lòng đường.
Đội quân này cũng phủ kín khu vực lòng đường, vỉa hè trước cổng Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học trên đường Sư Vạn Hạnh (quận 10). Vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh bị lấn chiếm triệt để hơn ở khu vực trước cửa Bệnh viện Nhân dân 115. Vào buổi tối, khu vực này vô cùng sầm uất với hàng loạt quầy hàng bán nước uống, thức ăn bày kín trên vỉa hè, “đẩy” người đi bộ xuống lòng đường.
Lề đường trước hẻm 355 Sư Vạn Hạnh cũng bị chiếm toàn bộ để bán bún, cháo các loại. Còn vỉa hè đường Sư Vạn Hạnh đoạn từ Lý Thái Tổ đến Ngô Gia Tự (quận 10) thì bị các cửa hàng buôn bán đồ inox lấn chiếm. Chẳng những chiếm trọn vỉa hè, các cửa hàng này còn bày biện đồ đạc xuống cả lòng đường. Vì vậy, người mua hàng cũng phải đậu xe dưới lòng đường rồi vào cửa hàng lựa chọn.
Điều đáng nói là tuyến đường 3 Tháng 2, Sư Vạn Hạnh đều nằm trong danh sách 10 tuyến đường trọng điểm về trật tự an toàn giao thông năm 2012 của quận 10. Sau 1 năm thực hiện giải quyết tình trạng buôn bán, đỗ xe, giữ xe lấn chiếm lòng đường, vỉa hè thì nay tình trạng này tái diễn.
Trên đường Võ Văn Tần (quận 3), một số đoạn vỉa hè quá hẹp đều bị các cửa hàng kinh doanh ăn uống dùng để xe cho khách, tiêu biểu là các hàng quán ở ngay ngã tư Võ Văn Tần - Nguyễn Thượng Hiền. Riêng cửa hàng hoa tươi cạnh hẻm 376 Võ Văn Tần còn bày hoa chiếm hết vỉa hè từ ngày này qua ngày nọ.
Trong cam kết bảo đảm trật tự an toàn giao thông của quận 3 năm 2012, đường Võ Văn Tần cũng là tuyến đường điểm cần “làm sạch”, tuy nhiên qua khảo sát của chúng tôi, vỉa hè tuyến đường này vẫn bị chiếm dụng để buôn bán.
Còn rất nhiều tuyến đường điểm khác ở khu vực trung tâm thành phố cũng rơi vào tình cảnh nhếch nhác tương tự.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu xử lý nghiêm
Đánh giá tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường tại các quận huyện, nhất là các quận trung tâm thành phố có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, UBND TP HCM vừa có thông báo giao Công an TP, Sở GTVT, Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra, xử lý cương quyết các trường hợp xây dựng, lấn chiếm trái phép lòng, lề đường, vỉa hè làm nơi buôn bán, kinh doanh, đặc biệt là các hàng quán ăn uống lấn chiếm lề đường, vỉa hè.
Theo UBND TP, Giám đốc Công an TP, Giám đốc Sở GTVT, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ tịch UBND các quận, huyện... phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để tái diễn tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường thuộc phạm vi ngành, địa phương mình quản lý.
|
Kỳ tới: Loay hoay tìm giải pháp
Bình luận (0)