Ngày 18-10, đoàn công tác của Báo Người Lao Động đã có mặt tại vùng “rốn lũ” xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh). Năm ngày sau trận lũ kinh hoàng (ngày 14-10) mà Phương Mỹ vẫn còn 7/8 xóm cô lập với bên ngoài, hàng ngàn nhà dân vẫn chìm sâu trong nước từ 1-2 m. Người dân nơi đây đang đối diện với đói và rét.
Tài sản trôi theo con nước
Trên con thuyền nhỏ chòng chành, chúng tôi vượt hơn 10 km đường sông để tới những hộ dân Phương Mỹ. Nhận 4 triệu đồng và quà (trị giá 200.000 đồng), bà Nguyễn Thị Lục (75 tuổi; ngụ xóm Ấp Tiến) xúc động: “Lũ về trong đêm, nước lên nhanh quá. Tất cả tài sản của gia đình đều bị nước cuốn trôi hết. Mấy ngày nay nước ngập tới nóc nhà, cả gia đình phải sống trong đói rét. Nhận quà cứu trợ gia đình rất vui, từ nay có tiền mua gạo, thức ăn để sống qua ngày rồi!”.
Đoàn công tác Báo Người Lao Động trao quà cho người dân xã Phương Mỹ Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Không giấu được nước mắt khi thuyền của đoàn ghé thăm, ông Nguyễn Văn Bá (79 tuổi; ngụ xóm Thượng Sơn) kể: “Nhà chỉ có 2 ông bà già, lũ về trong đêm hai vợ chồng cố bò lên nóc nhà thoát thân. Bao nhiêu tài sản có giá trị của gia đình đều hư hỏng, trôi theo nước lũ. Nếu không nhận được tiền hỗ trợ thì sắp tới gia đình không biết lấy gì ăn để sống qua ngày”.
Đại diện Báo Người Lao Động trao 10 triệu đồng hỗ trợ gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết Ảnh: MINH TUẤN
Cuộc sống của người dân vùng lũ vẫn còn khó khăn dài dài khi nước từ sông Ngàn Sâu vẫn cuộn đổ về, ngoài khơi tin bão vẫn dồn dập. “Đã 5 ngày rồi mà nước lũ vẫn không rút, chưa bao giờ nước lũ đổ về lớn như vậy. Chúng tôi cầu mong trời hiểu lòng người đừng trút mưa nữa. Người dân nơi đây đã khổ quá rồi” - anh Hồ Khả Huân, ngụ xóm Thượng Sơn, mếu máo.
Về Phương Mỹ, trao món quà nhỏ tận tay người dân nơi đây, chúng tôi thấy thấm thía hơn câu nói của cha ông “một nắm khi đói bằng một gói khi no”. Hơn bao giờ hết, cuộc sống của người dân vùng “rốn lũ” rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ. Ông Nguyễn Văn Thế, ngụ xóm Thượng Sơn, cho biết: “Tài sản gia đình tôi mất hết cả, 4 triệu đồng vào thời điểm này đối với gia đình là rất quý. Tôi sẽ dùng một ít tiền để mua gạo, số còn lại khi nước rút sẽ dùng để mua lợn giống, gà, vịt nuôi lấy sinh kế cho gia đình sau này”.
Trong ngày, nhiều đoàn cứu trợ cũng bất chấp sự ngăn cách, cắt trở của nước lũ để đưa quà tới xã Phương Mỹ. Ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, cho biết thiệt hại của người dân nơi đây là vô cùng lớn. Người dân đang phải sống cầm cự từng ngày trên các nóc nhà. Hơn ai hết, người dân xã Phương Mỹ rất cần sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của người trong và ngoài nước.
Chiều muộn, rời Phương Mỹ, hình ảnh những người dân đói khổ, thiếu thốn nằm co ro trên nóc nhà khiến ai cũng day dứt.
Vơi bớt đau buồn
Báo Người Lao Động cũng đã đến gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình). Chị Tuyết có chồng là anh Nguyễn Hà (SN 1972) và con gái Nguyễn Thị Kiều Linh (SN 1998) đuối nước trong trận lũ vừa rồi. Theo chị Tuyết, vợ chồng chị có 3 con, cháu Linh là con đầu. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào mấy sào ruộng. Học đến lớp 10, Linh phải bỏ học ở nhà phụ giúp bố mẹ. Chiều 14-10, khi thấy nước sông dâng cao, nghĩ có cá nên anh Hà mang lưới ra thả. Đến chiều, được mẻ cá về nấu canh chua cho cả gia đình ăn vì trời mưa không thể đến chợ nhưng không ngờ đó là bữa cơm cuối cùng của chồng và con gái. “Thấy mưa to nên chồng và con gái tôi sang nhà bà ngoại xem tình hình. Trên đường về, hai cha con tiện ghé thăm lưới thì lũ cuốn trôi cả 2 bố con. Đau xót quá!” - chị Tuyết gào khóc.
Gửi lời thăm hỏi, động viên và chia sẻ mất mát với gia đình, phóng viên Báo Người Lao Động đã trao 10 triệu đồng cho chị Tuyết mong chị vơi bớt đau buồn, vượt qua những khó khăn trước mắt.
Bộn bề khó khăn
Tại tỉnh Quảng Bình, giáo viên cùng phụ huynh Trường Mầm non Tân Hóa (xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa) và lực lượng bộ đội khẩn trương dọn dẹp vệ sinh ngay sau khi nước rút.
Ông Hồ Thanh Đá, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa, cho biết xã này có trên 660 ngôi nhà, trong đó hơn 300 nhà nổi làm trên phao nên dù nước lũ dâng cao trong nhiều ngày nhưng cũng đỡ thiệt hại. Huyện Minh Hóa đã tổ chức nhiều đoàn đưa lương thực, nước uống, nhu yếu phẩm vào Tân Hóa cứu trợ. Hơn 700 thanh niên ở các xã khác được điều động đến giúp dân dọn dẹp vệ sinh. Trung tâm Y tế huyện Minh Hóa cũng cử lực lượng vào xử lý nước, phun thuốc để đề phòng dịch bệnh.
Tại thị xã Ba Đồn và huyện Lệ Thủy, lực lượng đoàn viên thanh niên và vũ trang đã đến các xã cùng người dân dọn dẹp nhà cửa và trường học.
Ông Lê Văn Bảo, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết ước tính huyện này thiệt hại hơn 196 tỉ đồng, trong đó có hàng ngàn ngôi nhà, trường học, trạm y tế và các công trình công cộng bị ngập sâu, nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng; hơn 2.000 tấn lúa, gạo của dân bị ngâm nước nhiều ngày, nguy cơ không thể sử dụng được.
Trong ngày, ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình, kiểm tra tình hình thiệt hại và chỉ đạo khắc phục hậu quả tại nhiều trường học ở huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa. Theo ông Nhân, toàn tỉnh mới có hơn 50% học sinh đến trường nhưng chỉ dọn dẹp vệ sinh, dự kiến vài ngày nữa các trường mới hoạt động bình thường.
Theo ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, ngành y tế đã cử 3 đoàn công tác cùng lực lượng y tế tuyến huyện về từng thôn bản cấp phát thuốc, hóa chất và hướng dẫn người dân xử lý môi trường.
Chia sẻ với đồng bào vùng lũ
Chiều 18-10, Văn phòng Trung ương Đảng đã tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung. Trong niềm xúc động, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lời thăm hỏi tới các gia đình có người bị nạn, bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ về những thiệt hại to lớn của đồng bào các tỉnh miền Trung. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên, công nhân viên, người lao động các cục, vụ, viện, đơn vị trực thuộc Văn phòng Trung ương Đảng đã tham gia ủng hộ mỗi người một ngày lương. Tổng số tiền quyên góp được 450 triệu đồng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Vũ Đức Đam, Trịnh Đình Dũng dự lễ phát động quyên góp do Văn phòng Chính phủ tổ chức. Tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các tổ chức, cá nhân, đồng bào cả nước, với tấm lòng ruột thịt, chia sẻ khó khăn với nhân dân các vùng bị thiệt hại. Để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, trong đó có ban hành 2 công điện khẩn.
B.T.C - Th.Dũng
LĐLĐ TP HCM kêu gọi đóng góp ủng hộ đồng bào miền Trung
Ngày 18-10, LĐLĐ TP HCM đã có công văn kêu gọi CNVC-LĐ đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ. Công văn nêu rõ: Phát huy truyền thống tương thân tương ái, kịp thời chia sẻ khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, Ban Thường vụ LĐLĐ TP kêu gọi các cấp CĐ, CNVC-LĐ trên địa bàn tùy khả năng đóng góp giúp đỡ đồng bào bị nạn.
Mọi sự đóng góp giúp đỡ, ủng hộ chuyển trực tiếp về Ban Tài chính LĐLĐ TP (14 Cách Mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) hoặc chuyển vào tài khoản: 102010001211362 (Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM).
T.Ngôn
Bình luận (0)