Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có công điện yêu cầu các cơ quan chức năng, địa phương tại miền Trung chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ đang diễn ra.
Chạy nạn lúc nửa đêm
Ngày 15-12, bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM, cùng đoàn công tác của TP đã trao số tiền 2 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào tỉnh Quảng Nam bị thiệt hại do mưa lũ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ ngày 11-12 đến nay, tỉnh Quảng Nam có mưa lớn trên diện rộng với tổng lượng mưa từ 200-300 mm; riêng huyện Hiệp Đức, lượng mưa lên đến 700 mm.
Đang chống chọi với mưa lớn thì hàng loạt thủy điện phía thượng nguồn ồ ạt xả lũ khiến nước dâng cao trong đêm làm người dân ven sông Vu Gia khốn khổ chạy nạn. Tại xã Đại An, huyện Đại Lộc, khuya 14 rạng sáng 15-12, nước đột ngột dâng cao, người dân phải thức trắng đêm để di chuyển đồ đạc, gia súc. Đến sáng 15-12, nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hiện các hồ thủy điện, thủy lợi ở địa phương đều đã tích đầy nước. Trong lúc hạ du đang ngập, nhiều thủy điện ở thượng nguồn đã tăng lưu lượng xả lũ. Cụ thể, ngày 14-12, thủy điện Sông Bung 4 xả với lưu lượng từ 166-439 m3/giây; từ trưa 15-12, thủy điện này thông báo xả lũ với lưu lượng từ 300 đến 1.600 m3/giây. Thủy điện Sông Bung 4A tăng xả lũ từ 200-400 m3/giây lên từ 500-1.800 m3/giây. Thủy điện Sông Tranh 2 xả đến 2.200 m3/giây.
Trong sáng 15-12, người dân đã tìm được thi thể ông Châu Thịnh (SN 1968; ngụ xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Chiều 14-12, ông Thịnh ra cánh đồng gần nhà bắt ốc thì bị lũ cuốn trôi. Chiều cùng ngày, một người dân tại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn bị nước lũ cuốn mất tích.
Tình trạng ngập lụt cũng uy hiếp người dân tại nhiều địa phương ở tỉnh Quảng Ngãi. Hàng chục tuyến đường, hàng ngàn nhà dân ở TP Quảng Ngãi đã ngập sâu trong nước; rất nhiều công sở, trường học phải tạm đóng cửa. Nước trên các sông Vệ, Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu... lên nhanh, đạt mức báo động 2 và 3. Các hồ chứa nước phải xả gấp, từ 1.000 - 1.800 m3/giây. Một người dân ở xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ trên đường đi làm về bị gió cuốn xuống kênh tử vong.
Dừng họp để ứng phó
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động tại tỉnh Bình Định, ngày 15-12, mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường và khu dân cư ở TP Quy Nhơn. Tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ, Hoài Ân, Hoài Nhơn và thị xã An Nhơn, nước cũng chia cắt nhiều nơi.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết tất cả hồ chứa đã tràn nước, trong khi mưa lớn vẫn đang kéo dài, rất nguy hiểm. Hiện người dân ở 26 xã bị cô lập do nước lũ đang chờ được cứu trợ khẩn cấp. Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã phát 1.100 tấn gạo cho các hộ dân.
Trước tình hình trên, sáng cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng đã có công điện khẩn, yêu cầu các sở, ngành và Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương dừng ngay các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó với mưa lũ. Yêu cầu các địa phương cung cấp nước uống, lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và nhu yếu phẩm cho người dân vùng bị ngập lụt; bảo đảm an toàn cho học sinh.
Chiều cùng ngày, ông Hồ Quốc Dũng đã cho phát hành thư kêu gọi hỗ trợ người dân các địa phương bị thiệt hại do lũ lụt. Trong thư nêu tháng 11 và đầu tháng 12-2016, tại Bình Định đã xảy ra 4 đợt mưa lũ lớn, làm 18 người chết, hàng chục người bị thương; hơn 300 ngôi nhà sập hoàn toàn; hàng chục ngàn ngôi nhà ngập chìm trong lũ... Tổng thiệt hại ước tính hơn 1.000 tỉ đồng. “Hơn lúc nào hết, người dân vùng lũ tỉnh Bình Định rất cần sự quan tâm, chia sẻ, hỗ trợ, động viên kịp thời của cộng đồng để giảm bớt những khó khăn, mất mát, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất” - bức thư viết.
Thủ tướng gửi thư khen các cô giáo dũng cảm
Ngày 15-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư đến các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Trong thư, Thủ tướng chia sẻ: “Tôi rất xúc động được biết tin trong ngày 13-12, với lòng dũng cảm, trách nhiệm và tình người sâu sắc, các cô giáo và người dân địa phương đã cứu giúp và bảo vệ an toàn tuyệt đối cho các học sinh trong khi lũ về nhanh, gây ngập lụt nghiêm trọng tại trường. Thật cảm động trước suy nghĩ của các cô giáo: “Thà cô chết chứ không để trò chết”. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi lời biểu dương, khen ngợi các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp và người dân địa phương đã tham gia cứu giúp các cháu”.
Bình luận (0)