Sau gần 5 tháng thí nghiệm tại Nhật Bản, các nhà khoa học xứ mặt trời mọc đã xác định những hạt thóc “cổ” được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ Thành Dền (xã Tự Lập, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) nghi có niên đại hơn 3.000 năm tuổi là lúa hiện đại. Tuy nhiên, cơ sở khoa học này vẫn chưa thuyết phục được không ít nhà khoa học trong nước.
Chăm sóc và nghiên cứu “lúa cổ” Thành Dền. Ảnh: Nguyễn Hưng
Sự thật không như mong đợi
Tại hội nghị thông báo những phát hiện khảo cổ học mới nhất trong năm của ngành khảo cổ học VN vào cuối tháng 9 vừa qua, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Bảo tàng Nhân học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội do PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung chủ trì đoàn khảo cổ di chỉ Thành Dền đã chính thức công bố kết quả phân tích đối với những hạt thóc “cổ” nảy mầm và trổ bông được tìm thấy tại điểm di chỉ này.
Theo công bố này, 9 cây lúa mọc đợt I khi so sánh với cây lúa Khang Dân 18 (lúa hiện đại) trồng đối chứng, các nhà nông học VN cho rằng về hình thái và thời gian sinh trưởng cũng như một số chỉ số về sinh học khác, về cơ bản, hai giống lúa này giống nhau.
Kết quả gửi sang Nhật Bản phân tích AMS của vỏ hạt nảy mầm cũng cho kết quả là mẫu thóc thuộc thời hiện đại. Như vậy, về hình thái và AMS, 9 cây lúa đợt I không cho thấy những hạt nảy mầm thuộc niên đại văn hóa Đồng Đậu (cách đây khoảng 3.000 năm).
Là người đặt niềm tin nhiều nhất vào tuổi đời 3.000 năm của những hạt thóc Thành Dền nhưng PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung cũng nhìn nhận khả năng lớn nhất của việc các hạt thóc này “lọt” vào là khi sử dụng nước mương tại đây để đãi đất.
Cùng sự băn khoăn về xuất xứ của những hạt thóc “cổ”, PGS-TS Nguyễn Lân Cường bày tỏ: “Hơn 40 năm trong ngành khảo cổ, tôi chưa bao giờ nghe hoặc chứng kiến chuyện tương tự. Có thể, đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống”.
GS-TSKH Trần Duy Quý, nguyên phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN, khẳng định: “Với tư cách là một nhà di truyền học, tôi chắc chắn 100% là lúa Khang Dân ngay cả khi những hạt thóc “cổ” mới nảy mầm”.
Ông Quý cho rằng về mặt hình thái, những hạt thóc quá giống với lúa Khang Dân. Mặt khác, theo ông Quý, trong quá trình quan sát các hố khai quật ở Thành Dền, các hố khai quật này không được che bạt phía trên nên rất có thể chim hoặc chuột tha thóc tới, đơn giản hơn là con người đã vô tình để lẫn thóc hiện đại lọt vào.
Trước đó, trong một buổi hội thảo về khả năng “cổ” của những hạt thóc Thành Dền vào cuối tháng 8-2010, TS Phạm Xuân Hội - Trưởng Phòng Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp), cho hay kết quả phân tích 13 đặc điểm hình thái của những cây “lúa 3.000 tuổi” cho thấy về cơ bản giống với lúa Khang Dân 18 trồng đối chứng.
Còn theo bà Lưu Minh Cúc, cán bộ Viện Di truyền nông nghiệp, kết quả phân tích bằng phương pháp sinh học phân tử sử dụng chỉ thị SSR với 50 cặp mồi đối với 2 cây lúa “cổ”, kết quả phổ AND của 2 cây lúa “cổ” và lúa Khang Dân 18 là hoàn toàn như nhau.
GS-TSKH Trần Duy Quý nhận xét đây là lúa không cảm quang, giống lúa ngắn ngày, mà gien ngắn ngày mới chỉ du nhập vào cây lúa mấy chục năm trở lại đây.
Theo GS Võ Tòng Xuân, với khoa học tiến bộ, con người chỉ bảo quản trong nhà lạnh được tối đa 50 – 100 năm mà hạt thóc vẫn có thể nảy mầm. “Việc hạt thóc nằm dưới lòng đất 3.000 năm mà vẫn nảy mầm là điều gần như không thể”– ông Quý bày tỏ.
Le lói hy vọng!
Tại bản thông báo do PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung công bố, đối với 4 cây lúa đợt II, trong đó chỉ gửi sang Nhật Bản một hạt nảy mầm, kết quả phân tích niên đại AMS cũng cho kết quả như đợt I.
Đối với 3 cây lúa của đợt III, cho tới nay, đây là những cây cao, dài ngày, hình thái hạt và cây không giống với những cây của đợt I.
Tuy nhiên, số cây lúa này chưa chụp SEM và chưa có nghiên cứu so sánh sinh trưởng và hình thái với lúa hiện đại.
Cả hai đợt II và III cũng được phát hiện ở địa tầng khảo cổ ổn định, không có dấu vết xáo trộn, được đãi trực tiếp trong ngày tại hố khai quật với sự giám sát của cán bộ khảo cổ.
Từ những căn cứ và ý kiến của nhiều nhà khoa học, bà Dung cho rằng các kết quả định niên đại (hình thái, sinh trưởng và AMS) cũng còn nhiều vấn đề khoa học chưa thể giải thích thỏa đáng. Thêm vào đó, giữa các nhà nông học còn nhiều ý kiến khác nhau về ứng dụng tiêu chí, phương pháp và hướng nghiên cứu khác nhau.
Đồng tình, TS Nguyễn Quang Miên, Trưởng Phòng Thí nghiệm và Xác định niên đại (Viện Khảo cổ học), cho biết về mặt phương pháp, việc xác định niên đại bằng AMS với các mẫu vỏ trấu không thể cho kết luận tin cậy 100%.
Theo ông Miên, các mẫu vật còn sự trao đổi chất cho tới khi bị tách ra khỏi hạt gạo nên việc phân tích AMS sẽ cho kết quả hiện đại đối với bất kỳ mẫu vỏ trấu nào của bất kỳ hạt thóc nảy mầm nào khai quật được.
Tiếp tục nghiên cứu
PGS-TS Lâm Thị Mỹ Dung kiến nghị: Để có thể nghiên cứu đến nơi đến chốn, đưa ra được những kết quả khoa học xác đáng về hiện tượng thóc khảo cổ nảy mầm, có lẽ hợp lý và khả thi nhất là tiến hành một đợt nghiên cứu từ thực địa đến phân tích ở phòng thí nghiệm.
Trước đó, GS Hoàng Tuyết Minh, nguyên trưởng Bộ môn Di truyền tế bào và lai xa (Viện Di truyền nông nghiệp), cũng đề xuất làm lại AND cho toàn bộ 9 cây lúa “cổ” để đi đến kết luận cuối cùng. Còn theo Phó viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp VN, ông Nguyễn Văn Tuất, các nhà khoa học cần quan tâm sâu hơn đến những hạt gạo bị cháy sém ở khu khảo cổ và tách AND để so sánh. Đồng thời đề xuất hướng nghiên cứu tiếp theo là tiến hành thu hoạch 9 cây “lúa Thành Dền” sớm hơn dự kiến, làm vô tính gốc rạ, chăm sóc những cây mới và theo dõi sát sao suốt cả quá trình sinh trưởng cho đến khi thu hoạch được hạt lúa.
Ông Nguyễn Thiên Lương, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN-PTNT), cho rằng các nhà khoa học cần tiếp tục phối hợp xác định rõ hướng nghiên cứu tiếp về những hạt thóc 3.000 năm tuổi. “Nếu thấy cần thiết sẽ thành lập một đề tài liên ngành (cấp bộ, Nhà nước) để khai quật, thu thập thêm mẫu lúa Thành Dền và thực hiện các nghiên cứu “lúa cổ”của VN. Bộ NN-PTNT sẽ cấp đủ kinh phí cho nghiên cứu” – ông Lương đề xuất. Trước đó, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã từng tuyên bố sẽ ủng hộ và đầu tư kinh phí để nghiên cứu nguồn gốc của những hạt thóc “cổ” 3.000 năm tuổi ở di chỉ khảo cổ Thành Dền... |
Bình luận (0)