* Phóng viên: Viện Di truyền nông nghiệp đã dừng hẳn việc chăm sóc và nghiên cứu những cây “lúa cổ” vì đây là lúa hiện đại. Vậy sao từ đầu, viện không bác bỏ chuyện này, thưa ông?
- TS Phạm Xuân Hội: Cho đến thời điểm này, các nhà khảo cổ vẫn chưa chịu công nhận đây là lúa hiện đại. Cây lúa có trên 60 tính trạng, khi hạt thóc nảy mầm cho đến lúc trỗ đòng thì chỉ biểu hiện một số tính trạng như bộ lá, hình thái cây... nên chưa thể vội vàng đưa ra kết luận. Tuy nhiên, cách đây hơn một tháng thì lúa trổ bông mới biểu hiện rõ nhiều tính trạng và cho kết luận chắc chắn mười mươi là lúa hiện đại, cụ thể là lúa Khang Dân.
TS Phạm Xuân Hội bên những cây “lúa cổ”. Ảnh: Nguyễn Hưng
* Đặc điểm nổi trội nào để các nhà nông học khẳng định đây là giống lúa hiện đại?
- Có nhiều đặc điểm nhưng tổng thể “lúa cổ” không khác so với lúa hiện đại. Có thể ví dụ như bộ lá đứng, cây vừa phải không cao, đẻ nhánh khỏe. Trong khi lúa xưa thì cây sum sê, nhánh không khỏe và lá không đứng, hình thái bông, thời gian sinh trưởng, năng suất và ngay cả hình dạng hạt là rất khác so với “lúa cổ” Thành Dền.
* Có chút hy vọng nào về tính cổ của những cây lúa này, thưa ông?
- Tôi có thể khẳng định không có một tia hy vọng nào. Có chăng chỉ một căn cứ duy nhất mà các nhà khảo cổ đang bám vào là chưa ai từng nhìn thấy cây lúa cổ 3.000 năm trước đây nên không thể khẳng định có giống như những cây lúa sinh ra từ những hạt thóc ở Thành Dền.
Tài liệu, sử sách cũng chỉ ghi lại lúa cách đây một - hai trăm năm. Các nước phát triển trên thế giới cũng chỉ lưu giữ được mẫu vật lúa tới trăm năm, còn VN chỉ vài chục năm. Nhưng lý lẽ này cũng không mang tính khoa học và chỉ là ngõ cụt. Nếu có 1/1.000 hy vọng, chúng tôi cũng tiếp tục theo đuổi nhưng thực tế đã không có một chút hy vọng nào. Ngay cả các nhà khoa học Nhật Bản cũng khẳng định rõ điều này.
* Nhà nông học và khảo cổ học không đồng thuận về kết luận, phải chăng sự việc này sẽ kéo dài mãi và sẽ còn phát sinh “kê cổ”, “dưa hấu cổ”... trong tương lai và gây ra nhiều tranh cãi, tốn kém không đáng có?
- Khoa học đã chứng minh một số hạt giống ở môi trường hiếm khí tồn tại tới vài trăm năm thì có thể xảy ra, còn tới 3.000 năm là ngoài suy nghĩ của con người. Nên câu chuyện này cần khép lại.
Hơn 40 năm làm khảo cổ nhưng tôi chưa bao giờ nghe hoặc chứng kiến chuyện này. Tôi cũng đã đọc rất nhiều tài liệu nhưng chưa thấy đề cập chuyện nào tương tự. Có thể đó là những hạt thóc do chuột đào hang và tha xuống. Việc hạt thóc tồn tại 100 năm đã khó, nay qua 3.000 năm thì thật khó tin.
PGS-TS Nguyễn Lân Cường |
Bình luận (0)