Ngày 10-3, tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 trên địa bàn TPHCM và tỉnh Đồng Nai do Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường (TN-MT) Phạm Khôi Nguyên nhận định: Việc thi hành Luật Đất đai năm 2003 về cơ bản đã làm cho công tác quản lý đất đai từng bước đi vào nề nếp, việc sử dụng đất có hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề cần được điều chỉnh: Chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm, chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người dân, cơ chế chính sách tạo quỹ đất phục vụ các mục tiêu công ích, thu hồi đất giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án…
Thời hạn giao đất 20 năm: Quá ngắn!
Đánh giá hiệu quả chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hằng năm đã giao theo Nghị định 64/CP năm 1993, ông Lê Minh Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, cho rằng hạn mức mỗi hộ gia đình chỉ được giao không quá 2 ha đất trồng cây hằng năm đang hạn chế người dân phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.
“Điều tra trên 450 mảnh ruộng của các nông hộ TPHCM cho thấy sự manh mún về đất đai đối với các hộ nông dân đang là trở ngại lớn trong việc hình thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa cũng như áp dụng các thành tựu, tiến bộ của khoa học công nghệ. Vì vậy, Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra chính sách, kế hoạch “dồn điền đổi thửa” để tạo tiền đề cho các vùng chuyên canh lớn”.
Đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Nai cũng cho rằng thời hạn giao đất, cho thuê đất trồng cây hằng năm chỉ 20 năm là quá ngắn nên được điều chỉnh, ít nhất là 50 năm nhằm tạo điều kiện cho người sử dụng đất an tâm đầu tư sản xuất.
Xác định giá đất luôn là khâu căng thẳng và gây nhiều tranh cãi trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Trong ảnh: Dự án mở rộng Liên Tỉnh lộ 25B (quận 2 – TPHCM) đang bị vướng do giá đền bù chưa thống nhất. Ảnh: TẤN THẠNH
Không chỉ đất nông nghiệp, theo Sở TN-MT TPHCM, trên mảnh đất được giao hoặc cho thuê, người sử dụng đất còn có quyền sở hữu tài sản mà họ tạo lập, do đó Nhà nước không thể quy định tài sản sở hữu cũng có thời hạn. Vì vậy, Luật Đất đai mới nên quy định về thời hạn sử dụng theo hướng ổn định lâu dài cho tất cả các loại đất.
Về vấn đề hạn điền, Sở TN-MT TPHCM có ý kiến: Cho phép tổ chức, cá nhân được sử dụng đất nông nghiệp với diện tích lớn thông qua việc nhận chuyển nhượng có thời hạn (hoặc chuyển nhượng có chuộc lại), trong đó quy định chặt chẽ điều kiện, đối tượng được thực hiện quyền và nghĩa vụ chủ thể để tích tụ ruộng đất sản xuất, kinh doanh.
Giá đất - Ngọn nguồn của khiếu nại
Hiện nay, TPHCM và Đồng Nai đang trong cơn lốc của đô thị hóa, đặc biệt TPHCM đang trở thành một siêu đô thị với nhiều dự án lớn, gắn liền với việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng.
Từ năm 2003 đến nay, TPHCM đã và đang thực hiện khoảng 260 dự án với diện tích hơn 2.000 ha, ảnh hưởng khoảng 36.000 hộ, Đồng Nai có 615 dự án với diện tích trên 10.000 ha.
Kết quả thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) theo Luật Đất đai 2003: - TPHCM đã cấp trên 1,3 triệu GCN. Trong đó có 5.110 GCN cho tổ chức sử dụng đất, gần 180 GCN đối với đất nông nghiệp đối với cá nhân, hộ gia đình và 1,1 triệu GCN đất ở đối với cá nhân, hộ gia đình. - Đồng Nai đã cấp được 555.955 GCN, trong đó cấp cho cá nhân, hộ gia đình gần 240.000 GCN. |
Đây cũng là lĩnh vực nhận được nhiều đơn thư khiếu kiện, khiếu nại từ cá nhân, tổ chức, hầu hết đều liên quan đến giá đất.
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HOREA), giá đất cũng chính là vấn đề sống còn của doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản.
Hiện nay, Việt Nam đang tồn tại hai loại giá: Đó là giá do chính quyền địa phương công bố và giá giao dịch trên thị trường.
Sự chênh lệch quá lớn của hai loại giá này đã khiến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.
Chính vì vậy, HOREA kiến nghị khi sửa đổi luật nên áp dụng một loại giá đất, giá đất này do Nhà nước khảo sát, tính toán và đưa ra, có thể thấp hơn giá thị trường nhưng mang tính chất định hướng và thống nhất, từ đó dần “hạ nhiệt” giá đất.
Tuy nhiên, Sở TN-MT TPHCM lại cho rằng bảng giá đất do Nhà nước ban hành chỉ sử dụng để tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển sử dụng đất, lệ phí trước bạ...
Còn trường hợp xác định giá trị quyền sử dụng đất để bồi thường hay thực hiện giao dịch sẽ là giá thị trường tại thời điểm xác định giá trị quyền sử dụng đất và do cơ quan Nhà nước quyết định trên cơ sở xác định giá của các đơn vị tư vấn đánh giá độc lập.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết sau khi dự tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 tại 5 địa phương đại diện cho các vùng miền của cả nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 sẽ trình Chính phủ báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai 2003 cả nước vào tháng 6 năm nay, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội - quốc phòng an ninh đến năm 2020.
Bình luận (0)