Ông Nguyễn Hải Hữu, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết như vậy tại hội thảo “Diễn đàn ổn định kinh tế vĩ mô, thách thức và giải pháp” chiều 2-10, tại Hà Nội.
Về nguyên nhân khối hành chính sự nghiệp có thể chậm điều chỉnh lương tối thiểu hơn khối doanh nghiệp, ông Nguyễn Hải Hữu cho biết đây chỉ là một phương án được đề xuất, còn thời gian có tăng đồng thời giữa hai khối doanh nghiệp và hành chính sự nghiệp hay không thì do Chính phủ quyết định. Bởi vì, việc tăng lương trong khối hành chính sự nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến ngân sách Nhà nước. Nếu điều chỉnh chậm hơn cũng là để chia sẻ gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.
Đi cùng với chính sách về tiền lương, Bộ LĐ-TB-XH cũng đang đề xuất điều chỉnh mức trợ cấp tăng thêm khoảng 50% đối với 9 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp theo Nghị định 67/2007/NĐ-CP, thực hiện từ ngày 1-1-2009. Các đối tượng này gồm: trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, người già cô đơn, người từ 85 tuổi trở lên, người tàn tật nặng, tâm thần, gia đình có hai người tàn tật nặng trở lên, người nhiễm HIV/AIDS, người nhận nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người đơn thân nuôi con nhỏ.
Theo phân tích của ông Hữu, dấu hiệu bất ổn của kinh tế vĩ mô và đặc biệt là tình trạng lạm phát cao trong những tháng đầu năm 2008 đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của các tầng lớp dân cư, nhất là những người làm công ăn lương, người thu nhập thấp, người nghèo. Vì vậy, việc ban hành các chính sách tiền lương và an sinh xã hội ngay trong năm 2008 được coi là giải pháp cấp bách và hữu hiệu để giải quyết một phần khó khăn cho các đối tượng thuộc hệ thống an sinh xã hội và những người làm công ăn lương thu nhập thấp.
Bình luận (0)