Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng: “Bộ Luật Lao động cho rằng thu nhập người lao động phải bảo đảm mức sống tối thiểu song thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu này”
Người tài bỏ chạy
Đặt vấn đề về tính lỗi thời của lương tối thiểu (LTT) và hệ thống thang, bảng lương đang áp dụng cho khối hành chính sự nghiệp, ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH), cho rằng Nhà nước rất khó thu hút và giữ chân người tài. Đặc biệt là trong doanh nghiệp (DN) Nhà nước, những người giỏi không được xếp lương tương đương với mức lương của thị trường mà chỉ được bắt đầu với mức 2,34. Mức lương này ngày càng xa rời thực tế và không phù hợp với thị trường lao động.
Ông Hoàng Minh Hào cũng chỉ ra hệ thống thang, bảng lương đang áp dụng được xây dựng từ những năm 1960 và từ năm 1985 đến nay, Việt Nam vẫn thực hiện theo những nguyên tắc ấy. Vì thế mà mức lương không thể linh hoạt theo cơ chế thị trường. Cùng một vị trí công việc, hiệu quả nhưng tiền lương giữa Nhà nước và ngoài Nhà nước quá chênh lệch. Nếu không thay đổi thì Nhà nước sẽ bị “chảy” chất xám. Căn cứ mức LTT thì lương cho người mới tốt nghiệp đại học chỉ khoảng 3 triệu đồng/tháng và lương của bộ trưởng cũng khoảng 13 triệu đồng/tháng.
Mới đạt 65% mức sống tối thiểu
Theo ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn: Mức điều chỉnh hợp nhất LTT ở DN FDI và DN trong nước chỉ đạt 65% mức sống tối thiểu của người lao động.
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cũng nhấn mạnh: “Bộ Luật Lao động cho rằng thu nhập của người lao động phải bảo đảm mức sống tối thiểu song trong thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu này. NLĐ sống bằng tiền lương nên không thể chờ đợi được nên cần phải có một giải pháp thỏa đáng trong thời gian tới”.
Một trong những khó khăn trong việc thực hiện cải cách tiền lương chính là vấn đề tạo nguồn để chi trả. Ông Đoàn Thế Cường, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ), cho biết đối tượng hưởng lương và trợ cấp từ ngân sách quá nhiều và ngày càng tăng lên (gần 7 triệu người, chưa kể quân đội), dẫn đến tổng quỹ tiền lương và trợ cấp ngày càng lớn. Còn với khối DN, cần phải xem xét đến khả năng chi trả của DN vì hiện nước ta có tới gần 90% là DN nhỏ và vừa.
2/3 cán bộ, công chức, viên chức hưởng lương quá cao Ông Đặng Như Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, cho rằng: Tiền lương và các chế độ đãi ngộ quá thấp đối với 1/3 đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang ngày đêm làm việc tận tâm, có trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả nhưng lại quá cao với nhiều cán bộ, công chức, viên chức còn lại. Trong nhiều năm, hằng năm ngân sách Nhà nước bố trí hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được nâng cao, thậm chí giảm sút; bộ máy vẫn trì trệ, phiền hà, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. |
Bình luận (0)