Những “lô cốt” này chiếm một phần đường Nguyễn Kiệm và Nguyễn Oanh, mới được các đơn vị dựng lên để phục vụ việc thi công công trình cầu vượt thép ngã sáu Gò Vấp. Do đây là nút giao thông trọng điểm kết nối với hàng loạt tuyến đường khác nên khiến giao thông bị rối loạn trong nhiều ngày qua.
Hỗn loạn
Chiều 7-9, hàng loạt tuyến đường như Phan Văn Trị, Nguyễn Thái Sơn, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Oanh… rơi vào cảnh kẹt xe kinh hoàng do ảnh hưởng bởi các “lô cốt”. Nghiêm trọng nhất là đường Phan Văn Trị, đoạn từ giao lộ Nguyễn Thái Sơn đến Nguyễn Oanh, khi cả 2 hướng, dòng xe như “chôn chân” suốt từ 17 giờ đến gần 20 giờ. Tại giao lộ Phan Văn Trị - Nguyễn Thái Sơn, mỗi khi có đèn đỏ là hàng trăm phương tiện tràn qua làn đường ngược lại để dừng xe, chờ di chuyển nhanh càng làm giao thông trở nên rối loạn. Các phương tiện vừa thoát khỏi khu vực này lại tiếp tục dồn ứ ở nút giao với đường Lê Đức Thọ khi nhiều xe liên tục chuyển làn để qua đường. Lực lượng chức năng hạn chế cho xe lưu thông từ đường Phan Văn Trị qua đường Trần Thị Nghỉ ra ngã sáu Gò Vấp nhưng nhiều người vẫn cố đi vào khu vực này khiến dòng xe kẹt cứng tại đây suốt nhiều giờ.
“Vì quá mệt mỏi khi phải nhích từng chút nên tôi định leo lên lề đường chờ kẹt xe giảm bớt nhưng cũng không còn chỗ” - chị Nguyễn Thị Hạnh (ngụ quận 12, TP HCM) nói.
Đường Phạm Ngũ Lão (một chiều) hướng ra khu vực ngã sáu Gò Vấp cũng rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng. Hàng ngàn phương tiện ken cứng trên đường, ô tô gần như không thể nhúc nhích, trong khi xe máy leo kín vỉa hè để lưu thông. Nhiều phương tiện đã chuyển hướng lưu thông qua đường Nguyễn Thái Sơn và rẽ trái vào đường Phan Văn Trị nhưng lại rơi vào cảnh “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, càng làm tình hình trở nên căng thẳng. Trong khi đó, tại ngã sáu Gò Vấp, giao thông cũng rối loạn cho đến gần 21 giờ.
Sáng 8-9, ùn tắc còn nghiêm trọng hơn, kéo dài suốt 4 giờ ở các tuyến đường nói trên. Hàng chục ngàn người không chỉ phải bơ phờ vì phơi nắng, hít bụi mà còn trễ giờ học, giờ làm. Nhiều trạm xe buýt trên các tuyến đường này cũng đông nghẹt người đứng chờ vì xe không thể tới.
Tại nút giao thông Nguyễn Thái Sơn - Phạm Ngũ Lão, khoảng 7 giờ 30 phút, giao thông rối loạn và dường như bị mất kiểm soát khi dòng xe liên tục chen nhau để di chuyển. Nhiều người mệt mỏi phải tấp xe vào lề đường ngồi nghỉ. Dù lực lượng CSGT, thanh niên xung phong được huy động đến điều tiết nhưng vẫn không giảm bớt tình trạng kẹt xe tại đây. “Đi làm từ 6 giờ 30 phút nhưng đến gần 9 giờ vẫn chưa tới cơ quan ở quận 3” - chị Đào Thị Nguyệt (ngụ đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp) lắc đầu.
Điều chỉnh phân luồng
Chiều 8-9, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3 đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải cùng các đơn vị liên quan họp bàn phương án phân luồng giao thông các tuyến đường quanh ngã sáu Gò Vấp.
Ông Trịnh Linh Phương, Phó Giám đốc Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3, cho biết hàng rào thi công sẽ được rút ngắn lại 2 đầu từ 5-10 m. Đường Nguyễn Văn Nghi và đường Lê Quang Định (đoạn Nguyễn Thái Sơn đến Phạm Văn Đồng) cho phép ô tô lưu thông trong thời gian từ 6 giờ đến 9 giờ. Đường Nguyễn Thái Sơn (đoạn Phạm Ngũ Lão đến Phạm Văn Đồng) trước đây chỉ cho xe 2 bánh lưu thông thì nay cho phép xe buýt đi lại đón khách bình thường. “Chúng tôi sẽ theo dõi trong thời gian tới, nếu chưa hợp lý thì tiếp tục điều chỉnh để người dân đi lại thuận lợi nhất” - ông Phương nói.
Bên cạnh đó, các lực lượng CSGT và thanh niên xung phong sẽ tham gia điều tiết giao thông ở các điểm nóng về ùn tắc giao thông. Theo ông Phương, trước đây, khu vực này cũng đã ùn tắc nên khi lập hàng rào gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM cho biết tình hình giao thông trên địa bàn TP đang rất phức tạp do là thời điểm học sinh, sinh viên nhập học và cũng là dịp cuối năm nên nguy cơ ùn tắc giao thông là rất cao. Trong khi đó, việc thi công cầu vượt thép tại ngã sáu Gò Vấp ảnh hưởng rất lớn đến giao thông trên các tuyến đường. Vì vậy, qua công tác tuần tra, kiểm soát, đơn vị này sẽ tiếp tục ghi nhận những bất cập về tổ chức giao thông, hệ thống biển báo, các điểm mở dải phân cách…, từ đó tham mưu cho các đơn vị liên quan lên phương án khắc phục kịp thời.
Rào chắn chiếm diện tích lớn
Nhiều tuyến đường khác như Hồng Bàng (quận 5), hẻm 153 Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh)… đang thi công các dự án thoát nước cũng dựng lô cốt khiến người dân chật vật mỗi khi qua đây. Theo đó, đường Hồng Bàng (đoạn dưới cầu vượt Cây Gõ) đang thi công công trình cải tạo hệ thống thoát nước nên lập hàng rào khoảng 2 m. Do lô cốt chia đôi phần đường nên các xe máy khi đổ dốc cầu phải đi qua làn đường ô tô. Những xe đi bên dưới cầu cũng lưu thông khó khăn khi đơn vị thi công chỉ chừa lại một lối nhỏ cho xe máy. Đại diện ban chỉ huy công trình cải tạo hệ thống thoát nước Hồng Bàng cho biết dự án đi qua 3 quận 5, 6 và 11 có chiều dài khoảng 11 km. Theo thiết kế, đơn vị thi công phải đặt các loại cống thoát nước có đường kính khoảng 2-3 m nên việc dựng rào chắn để thi công các phui đào chiếm diện tích lớn. Tương tự, hẻm 153 Đinh Bộ Lĩnh dựng lô cốt hết một nửa đường gây ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân trong hẻm. Nhiều ngày qua, đơn vị thi công đang thi công đoạn giao với Quốc lộ 13 nên càng gây khó khăn cho các phương tiện lưu thông.
Bình luận (0)