Gia Lai là 1 trong 14 tỉnh nhận tài trợ từ dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn sốt rét kháng thuốc Artemisinin (còn gọi là dự án RAI) do Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét tài trợ. Theo đó, người dân của tỉnh này được phát trên 560.000 chiếc màn để chống muỗi. Tuy nhiên, sau khi nhận màn, nhiều người bỏ xó hoặc sử dụng trái công năng.
Bỏ thì phí...
Trên nhãn hiệu của mỗi chiếc màn có ghi rõ kích cỡ là 180-160-180 cm do Trung Quốc sản xuất. Thực tế, chiều dài màn là 180 cm nhưng chiều rộng và chiều cao có nhiều kích cỡ khác nhau. Đặc biệt, theo nhiều người dân, mắt lưới của màn quá to nên không có tác dụng cản muỗi.
Chỉ vào chiếc màn đang vứt trong xó nhà, chị Hồ Thị Hảo (phường Hòa Bình, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) cho biết chị được nhận 2 chiếc từ đầu tháng 5, sau khi mắc thử thì thấy không vừa với giường. Hơn nữa, do mắt lưới quá to, muỗi vẫn chui vào được nên chị vứt cả 2 vào xó nhà. Thấy bỏ cũng phí, chị lấy 1 chiếc màn đem căng dưới ao rồi thả cá giống vào nuôi.
“Màn lỗ to, lại ngắn và nhăn như thế thì sao mà dùng được. Tui mất công tháo màn cũ ra lắp màn mới vào nhưng bị muỗi chích nhiều hơn nên lại tháo màn mới ra, lắp màn cũ vào. Người ta bảo của rẻ là của ôi, của cho là của thối mà...” - chị Hảo nói.
Cũng nhận 2 chiếc màn về nhưng không dùng được, sau một thời gian vứt xó, chị Nay Hmuy (35 tuổi, ngụ xã Chrôh Pơnan, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) cắt nó ra để... nhốt đàn gà con.
Qua khảo sát một số hộ dân tại nhiều huyện nằm trong dự án ở Gia Lai, chúng tôi thấy rất nhiều màn bị vứt bỏ, thậm chí nhiều chiếc còn nguyên bao bì. Khi được hỏi vì sao, nhiều người dân đều trả lời rằng không sử dụng được. “Anh thích thì lấy về mà dùng” - một người “hào phóng”.
Nhiều quá, không thống kê được!
Ông Phan Gia Công - Phó trưởng Ban Quản lý dự án RAI tại Gia Lai, Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét, ký sinh trùng tỉnh - cho biết đơn vị này được cấp phát hơn 562.000 chiếc màn với giá 76.400 đồng/chiếc, tổng kinh phí hơn 42 tỉ đồng. Sau khi tiếp nhận, đơn vị này cấp xuống 17 huyện, thị xã của tỉnh.
Theo bà Dương Thị Ngọc Loan, cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Ayun Pa, nơi này nhận 22.360 chiếc màn chống muỗi. Sau khi phát cho dân, nhiều người phản ánh màn thô, lỗ to, kích thước ngắn hơn giường nên không sử dụng được. “Qua khảo sát thực tế, có hộ dùng màn này để làm lưới bọc quả nhãn, nhốt gà vịt. Số người không dùng hay sử dụng không đúng mục đích rất nhiều, không thống kê hết được” - bà Loan cho biết.
Trong khi đó, theo phản ánh của trung tâm y tế dự phòng 2 huyện Ia Pa và Krông Pa, những chiếc màn chống muỗi được cấp phát không chỉ không ngăn được muỗi mà còn may lộn ngược, có trường hợp ngủ bị dị ứng...
Ông Công cho biết toàn bộ số màn này được Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương phân bổ về. “Màn này là nhận từ trung ương chứ không phải chúng tôi mua, vì thế chất lượng cũng như giá trị của chúng, tôi không thể nắm rõ” - ông phân trần.
Dự án RAI được triển khai ở 3 viện sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng; 14 tỉnh - thành với tổng kinh phí hơn 15,047 triệu USD.
Lỗ to nhưng làm... muỗi say
Ngày 12-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét, ký sinh trùng và côn trùng trung ương (Bộ Y tế) - cho biết màn cấp phát trong dự án RAI có tẩm hóa chất. Sản phẩm này nằm trong chiến lược chống bệnh sốt rét của Tổ chức Y tế thế giới và Quỹ Toàn cầu phòng chống sốt rét hỗ trợ cho 5 quốc gia Đông Nam Á (Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar). Đây là loại màn được sản xuất theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới với loại sợi đặc biệt có thể tồn lưu hóa chất chống muỗi trong vòng 3 năm. Quỹ Toàn cầu là tổ chức trực tiếp mua sản phẩm theo đấu thầu quốc tế.
“Khi cung cấp sản phẩm cho các hộ gia đình, chúng tôi đã yêu cầu các ngành chức năng tuyên truyền cho người dân sử dụng để chống muỗi đốt khi đi ngủ, phòng bệnh sốt rét” - ông Dương cho biết. Theo ông, qua kiểm tra thực tế tại một số vùng được cấp màn chống muỗi ở Quảng Nam và Gia Lai, có tới trên 90% người dân sử dụng sản phẩm này.
“Đây là tỉ lệ khá cao. Màn dù lỗ to nhưng khi muỗi lại gần có mùi hóa chất sẽ bị say nên nguy cơ bị muỗi đốt rất thấp. Đi kèm sản phẩm này đều có hướng dẫn sử dụng là hạn chế giặt bằng xà phòng, khi giặt nên phơi trong bóng râm để bảo tồn hóa chất” - ông Dương giải thích.
Trước thông tin về một số người dân sử dụng màn hóa chất vào mục đích khác, ông Dương cho rằng đây chỉ là những “trường hợp cá biệt”, có thể do họ chưa hiểu hết tác dụng của sản phẩm. “Tới đây, chúng tôi sẽ đề nghị địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng màn đúng mục đích để có thể phòng chống bệnh tật do muỗi đốt” - ông Dương nhấn mạnh.
N.Dung
Bình luận (0)