Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), Bộ Công an và 7 nhà cung cấp dịch vụ di động vừa tổng kết 2 năm thực hiện công tác quản lý thuê bao di động trả trước.
Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, trên thực tế việc mua sim điện thoại trả trước quá dễ và các biện pháp đề ra để quản lý các thuê bao này vẫn chưa hữu hiệu.
Sim “rác” vẫn còn bày bán đầy trên thị trường
Vẫn còn lỗ hổng quản lý
Ông Nguyễn Xuân Trụ, Phó Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Bộ TT-TT, cho hay qua số liệu báo cáo, đã có 100% thuê bao di động đăng ký thông tin cá nhân theo quy định với khoảng 140 triệu thuê bao.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng kiểm tra lại cho thấy nhiều sai phạm mà chủ yếu là tại các điểm giao dịch như: Không lưu trữ bản khai tại các điểm giao dịch hoặc cố tình không thực hiện đăng ký thông tin bằng bản khai giấy...
Bên cạnh đó, có tới 80% các điểm giao dịch không trang bị máy tính hoặc được trang bị máy tính nhưng những máy tính này lại không kết nối cơ sở dữ liệu đăng ký thông tin thuê bao hoặc phần mềm đăng ký thông tin thuê bao chưa được sử dụng.
Để bán được hàng, một hiện tượng khá phổ biến là các đại lý đã đăng ký thông tin sẵn hàng triệu thuê bao nhưng chưa kích hoạt để chờ phục vụ “thượng đế”.
Cũng theo ông Trụ, các sở TT-TT đã thanh tra 26.093 điểm giao dịch, 143.020 đại lý trên toàn quốc và đã xử phạt hành chính với số tiền khoảng 1,1 tỉ đồng.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng phát hiện 4.821 hợp đồng ủy quyền nhưng không ghi đầy đủ thông tin như ngày tháng, địa điểm của chủ điểm giao dịch...
Từ sự quản lý lỏng lẻo này dẫn tới hàng loạt hệ lụy gây phiền phức cho người dân như nạn quấy rối từ sim “rác” đến các hành vi phạm pháp, gây mất trật tự công cộng.
Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an), cho biết hiện nay, nhiều đối tượng tội phạm đã lợi dụng điện thoại di động trả trước cho các hoạt động phạm pháp như: Dùng sim trả trước để kích nổ mìn tự chế (tỉnh Thái Bình), quấy rối người khác, trộm cước viễn thông...
Hay mới đây là vụ một người trú tại Hải Phòng vì quá rảnh rỗi đã nghĩ ra trò giải trí là dùng sim “rác” gọi điện đe dọa đánh bom một đại sứ quán.
Xử phạt đăng ký thông tin sai
Thiếu tướng Nguyễn Công Sơn cho rằng để đưa vào quy củ, trong thời gian tới, Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Bộ TT-TT để tăng cường việc quản lý thuê bao di động trả trước.
Trước mắt, bộ sẽ đôn đốc thí điểm đối soát thông tin cá nhân của những thuê bao trả trước sử dụng chứng minh thư do Công an Hà Nội cấp, sau đó, sẽ tiến hành tiếp tại Đà Nẵng và TPHCM.
Đồng tình, Thứ trưởng Bộ TT-TT Lê Nam Thắng khẳng định sau khi công an rà soát thông tin thuê bao tại Hà Nội, nếu phát hiện những thuê bao đăng ký thông tin không chính xác sẽ phải đăng ký lại nếu không sẽ cắt liên lạc.
Trong trường hợp phát hiện thuê bao trả trước cố tình đăng ký thông tin sai nhằm mục đích xấu sẽ tiến hành xử phạt và đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Giám đốc Viettel Telecom, ông Hoàng Sơn, đưa ra khó khăn hiện nay là theo quy định điểm giao dịch ủy quyền phải trang bị máy tính, có kết nối internet để đăng ký thông tin cá nhân của thuê bao. Như vậy, tại các trung tâm tỉnh, thành sẽ phải đầu tư máy tính cho 30.000 điểm, chi phí rất lớn.
Ông Sơn cũng kiến nghị các mạng di động cần phải phối hợp để thống nhất danh sách các đại lý ủy quyền và cùng nhau đầu tư trang thiết bị đăng ký thuê bao.
Bình luận (0)