Ngày 17-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017.
Thiệt hại nặng nề
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Trưởng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, cho biết năm 2016, thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng, miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường.
“Qua tổng hợp, năm 2016, thiên tai làm 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà đổ, sập, trôi; 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; thiệt hại 828.661 ha lúa và hoa màu; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115 km đê, kè và 938 km kênh mương, 122 km bờ sông, bờ biển sạt lở.... Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỉ đồng” - ông Cường nhấn mạnh.
Cụ thể, ở ĐBSCL, mực nước thấp nhất trong vòng 90 năm qua nên xâm nhập mặn xuất hiện sớm hơn so cùng kỳ trung bình nhiều năm gần 2 tháng; phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km. Hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt, gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống nhân dân tại 18 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Đây là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm.
Năm 2016 có 10 cơn bão và 7 áp thấp nhiệt đới đi vào biển Đông, trong đó 6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới tác động trực tiếp đến đất liền nước ta cùng một số hình thái thời tiết khác đã gây mưa lũ đặc biệt lớn, bất thường, liên tục và kéo dài trên toàn bộ miền Trung; sạt lở bờ sông, bờ biển xảy ra nhiều nơi, gây thiệt hại nặng nề.
Không để dân đứt bữa
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết 2016 là năm đặc biệt về thiên tai và nhân tai. Nhiều thiên tai lịch sử xảy ra gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản với 264 người chết, gần 1.000 người bị thương, GDP mất gần 2 tỉ USD (tức gần 1% GDP của cả nước).
“Dù thiên tai dồn dập, thiệt hại nặng nề như vậy nhưng chúng ta không để người dân nào đói cơm, đứt bữa hay phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Đó là do sự quyết liệt, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; các tổ chức xã hội, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế” - Thủ tướng bày tỏ.
Tuy nhiên, bên cạnh việc biểu dương, Thủ tướng thẳng thắn nêu ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém. “Phải coi lũ lụt, cháy nổ như là giặc nhưng nhiều nơi nhận thức chưa tốt nên đã chủ quan trong chỉ đạo, điều hành cụ thể còn nhiều bất cập. Khi chủ quan thì thiệt hại lớn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nêu những vấn đề cụ thể, Thủ tướng cho rằng Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia; một số địa phương, bộ, ngành cũng chưa quan tâm đúng mức trong việc xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; chưa cụ thể hóa các tình huống sát thực tế để có phương án phòng chống; chưa cập nhật phòng chống các hiện tượng thời tiết cực đoan; nhất là chưa thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và nhiều nơi làm còn mang tính hình thức nên lúng túng khi tình huống thực tế.
Đặc biệt, Thủ tướng thẳng thắn đánh giá công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập và yêu cầu chấn chỉnh ngay. Theo Thủ tướng, một số công trình thủy điện, giao thông, khu dân cư khi đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành đã thiếu kiểm tra, thiếu giám sát từ khâu lập quy hoạch, chưa quan tâm tác động thiên tai, làm gia tăng rủi ro thiên tai.
“Chúng ta biểu dương ngành giao thông rất nhiều nhưng cũng còn công trình giao thông gây cản lũ. Tần suất, lưu lượng lớn như thế mà thiết kế cống quá nhỏ thì làm sao tiêu nước. Hay các hồ chứa nước, bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi thì phải phục vụ chống lũ và chống hạn. Không thể cứ xả lũ làm tăng ngập vùng hạ lưu rồi trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình ấy là sai, không thể chấp nhận được. Xây hồ chứa nước để chống hạn nhưng khi hạn, hồ không có nước, vậy quy trình điều tiết hồ là sai” - Thủ tướng phân tích.
Về công tác dự báo, Thủ tướng đánh giá cơ quan khí tượng có rất nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. “Công tác dự báo còn nhiều vấn đề đặt ra, nhiều khi còn gây bất ngờ lớn. Cần cố gắng nghiên cứu quy luật, mô hình, quan hệ quốc tế để dự báo tốt hơn”
Từ những vấn đề bất cập nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền phải nâng cao nhận thức cho nhân dân để làm tốt nhiệm vụ “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai để hạn chế thiệt hại với phương châm phòng là chính bởi khi bão lũ đến rồi thì không cách gì xử lý kịp thời được.
Bão sẽ ít hơn trung bình nhiều năm
Nhận định về thời tiết từ nay đến cuối năm 2017, ông Lê Công Thành, Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết đa số các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới đều nhận định hiện tượng ENSO sẽ có xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino từ nửa cuối năm 2017. Nhiều khả năng bão và áp thấp nhiệt đới trên khu vực biển Đông vẫn sẽ xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm nhưng số lượng bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta sẽ ít hơn trung bình nhiều năm.
Bình luận (0)