Ngày 12-4, tại diễn đàn “Khuyến nông @ Nông nghiệp” tổ chức tại Bình Dương, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT, kêu gọi nông dân, chủ các cơ sở chăn nuôi “nói không với chất cấm”.
Ông Việt cho biết, theo Bộ Luật hình sự 2015 sửa đổi có hiệu lực kể từ ngày 1-7-2016, người sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể lãnh nhiều mức án tù, mức tù cao nhất lên đến 20 năm.
Theo ông Việt, khung hình phạt sắp áp dụng là nghiêm khắc. “Nếu bộ luật này có từ trước thì đợt vừa rồi chúng tôi đã khởi tố nhiều lắm!”.
Theo báo cáo từ các địa phương và Cục chăn nuôi, trong năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng trên cả nước đã kiểm tra gần 1.900 cơ sở chăn nuôi phát hiện 58 cơ sở có vi phạm liên quan đến chất cấm (chiếm 3,1%).
ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT
Theo luật mới, ngoài án tù, người vi phạm còn có thể bị xử phạt với mức tiền hàng trăm triệu đồng.
Ông Việt kêu gọi tất cả các công ty, các hộ chăn nuôi tránh xa việc dùng chất cấm để khỏi rơi vào vòng lao lý và mất cả sản nghiệp. Ông Việt cũng yêu cầu đơn vị chức năng của các tỉnh thành phải tăng cường kiểm tra đột xuất, không nên chăm chăm kiểm tra theo kế hoạch. Bởi theo ông Việt, có tỉnh thành khi báo cáo về công tác giám sát, quản lý chăn nuôi rất đầy đủ nhưng thực tế cả năm không phát hiện xử phạt được đơn vị chăn nuôi nào.
Một cơ sở ở Bình Dương vừa bị bắt quả tang bơm nước, tiêm thuốc an thần cho heo ngay trước khi đưa tới lò mồ
Về bộ luật hình sự sửa đổi sắp áp dụng có điều 317 qui định về tội “Vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm”. Cụ thể:
1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm;
b) Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;
c) Sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, chất xử lý cải tạo môi trường ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không đúng quy định trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi tại điểm này hoặc điểm a khoản này mà còn vi phạm;
d) Chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm: gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù 03 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội có tổ chức;
b) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
d) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%.
đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
e) Phạm tội 02 lần trở lên;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận (0)