Mới đây, gia đình bà N.T.B (ngụ quận Thủ Đức-TPHCM) đã xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động nữ sinh L.T.K.N (con gái của họ, học sinh lớp 10 Trường THPT Thủ Đức) đã trở về và đi học bình thường.
Bỗng dưng… bỏ nhà ra đi
Ngày 28-2, bà B. đến Công an phường Linh Chiểu - quận Thủ Đức trình báo về việc con gái đi học nhưng không thấy về nhà. Theo đó, ngày 27-2, vợ chồng bà đi làm, cháu N. vẫn đi học bình thường nhưng đến tối cùng ngày, cháu không về nhà, điện thoại di động tắt máy. Khi đi, N. mang theo chiếc xe tay ga trị giá hơn 30 triệu đồng.
Suốt 10 ngày mong ngóng, tìm kiếm, thông tin về N. vẫn bặt tăm, trong khi đó, gia đình bà B. thường xuyên nhận được nhiều cuộc gọi lạ uy hiếp tinh thần, yêu cầu nạp tiền điện thoại, yêu cầu không được báo cho công an… Vài ngày sau đó, N. đã tự về nhà và tiếp tục đi học.
Minh họa: NGUYỄN TÀI
Trước đó, ngày 24-2, nữ sinh N.H.K.T (SN 1996, học viên Trường Trung cấp Đại Việt, quận Thủ Đức) sau buổi học đã không trở về nhà. Thường ngày, tan học xong, K.T ra quán phụ mẹ bưng nước cho khách, khi nào vắng khách thì về nhà trọ học bài. Trong đơn trình báo đến Công an phường Bình Thọ và Công an quận Thủ Đức, bà P.T.K.L (mẹ của K.T) cho biết một phụ nữ buôn bán gần khu vực Trường Trung cấp Đại Việt thấy K.T lên xe máy của một thanh niên và mất tích từ đó đến nay. Theo lời bà L., K.T rất ngoan, lễ phép, không có dấu hiệu gì bất thường, chỉ có điều K.T thường lên mạng để chat. Vì điều này mà bà lo sợ có thể K.T bị một số thanh niên dụ dỗ, bắt cóc, giam cầm.
Có thực sự mất tích?
Sau khi biết N. (học sinh lớp 10 Trường THPT Thủ Đức) đã tự về nhà, chúng tôi đã liên lạc để tìm hiểu thông tin thời gian mất tích, N. đi đâu, làm gì. Bà B. rầu rĩ nói: “N. ham vui, nghe lời bạn bè bỏ học rồi đến nhà một người bạn gái ở Bình Dương ở luôn trên đó. Khi cháu về, tôi gặng hỏi, cháu nói phần vì sợ mẹ la, phần vì cha mẹ bạn đối đãi tốt và nói cứ ở chơi, khi nào chán hẵng về”.
Trao đổi với chúng tôi, một giáo viên Trường THPT Thủ Đức cho biết: “Không thấy N. đến trường, nhà trường liên lạc với gia đình thì phụ huynh bảo N. đang nằm viện. Khi báo đăng cháu N. mất tích, nhà trường cử giáo viên chủ nhiệm đến nhà hỏi thăm, gia đình vẫn một mực khẳng định cháu đang nằm viện chứ chẳng có chuyện mất tích gì cả (?!)”. Do nhà trường không nhận được phản hồi từ gia đình nên hiện N. dang dở việc học.
Mới đây, trò chuyện với chúng tôi, bà P.T.K.L, mẹ của K.T, cho biết T. cũng đã tự về nhà sau một thời gian không liên lạc gì với gia đình. “Hơn một tháng qua, tôi ăn không ngon, ngủ không yên, chỉ mong sao con thương mẹ, thương em mà trở về nhà rồi đi học bình thường. Cha nó mất sớm, với cái quán nước èo uột này tôi cố gắng tằn tiện lo cho hai con ăn học…” - bà L. thở dài nói.
Thời gian T. bỏ đi, bà L. hết hỏi thăm bạn cùng trường của con lại lân la hỏi một số bạn cùng xóm nhưng bóng dáng T. vẫn mịt mờ. Mỗi ngày, bà nhận được hàng chục cuộc gọi của những người lạ mặt, không ít những tin nhắn yêu cầu nạp tiền điện thoại. Một số người còn yêu cầu bà chọn địa điểm để đến nhận con gái nhưng đến điểm hẹn lại không thấy đâu.
“Lúc thấy tâm trạng con đã bình thường trở lại, tôi hỏi thì nó nói có một đôi vợ chồng đứng tuổi rủ lên trung tâm TP làm nghề chà gạch bông cho các công trình. Nó kể hai người đó nói nếu con về và báo lại công an thì cô chú sẽ bị đi tù, đồng thời hậu quả khó lường!”.
Con đang làm gì? LTS: Bắt nguồn từ những câu chuyện có thật do phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận từ các chuyên gia tâm lý và những lần tiếp xúc trực tiếp với các em, loạt bài này lý giải phần nào những nguyên nhân khiến trẻ trong độ tuổi chưa thành niên từ con ngoan, trò giỏi bỗng trở thành kẻ bất trị, thậm chí là tội phạm. Hãy lắng nghe tiếng lòng con trẻ, để biết con đang nghĩ gì, làm gì, với ai, để không phải hối hận vì đã để vuột mất con. Chỉ vì… theo bạn
Kỳ tới: Cô độc giữa người thân
Bình luận (0)