Liên tục những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy phần lỗi chủ yếu từ những tài xế. Nói về chuyện này, nhiều tài xế đường dài đều thừa nhận thực trạng và cho biết hầu hết nguyên nhân xảy ra tai nạn là do tài xế bị áp lực quá nhiều từ công việc.
Lái xe suốt 12 giờ
Theo anh Nguyễn Văn Châu, ngụ huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang, sau gần 20 năm ngồi sau vô lăng, một năm trước đây anh đã bỏ nghề để chạy xe ôm vì không chịu nổi áp lực từ chủ xe. Anh kể: “Thời đó, tôi lái xe tải tuyến Bắc Nam chở trái cây. Chủ xe quy định phải đi từ tỉnh Tiền Giang đến cửa khẩu Lạng Sơn trong thời gian 2 đêm 3 ngày.
Tôi và một tài xế khác phải thay nhau chạy suốt ngày đêm cho kịp thời gian mà chủ xe giao”. Theo anh Châu, cái khó là mặt hàng trái cây nếu không đến kịp chợ, chủ hàng sẽ lỗ hoặc trái cây hư thì tài xế phải chịu trách nhiệm.
Anh Châu nói: “Chúng tôi ăn bánh mì thay cơm và chỉ dừng lại để đi vệ sinh. Cứ lái suốt 12 giờ mới đổi tài. Đến nơi, chỉ còn biết nằm ngủ vùi”.
Một vụ tai nạn do xe ben gây ra. Ảnh: HOÀNG DŨNG
Sau khi thấy bất an, anh Châu bỏ tuyến Bắc Nam về tỉnh Tiền Giang lái xe buýt cho công ty N.L.C. Lúc đầu, cứ nghĩ chạy xe buýt chỉ chạy cự ly ngắn nhưng khi vào lái, anh Châu mới biết tài xế vẫn phải ôm vô lăng suốt từ 6 giờ đến 19 giờ mới được nghỉ và dĩ nhiên còn phải “đua để giành khách”.
Anh Nguyễn Hoàng Giang, ngụ phường 2, TP Mỹ Tho, tâm sự: “Lái xe tải lạnh còn chịu áp lực lớn hơn nhiều bởi thời gian giao hàng thủy sản đông lạnh phải tính bằng giờ.
Chỉ cho phép chạy 4 giờ/ca
Theo thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Phó trưởng Phòng CSGT tỉnh Tiền Giang, nguyên nhân hầu hết các tai nạn giao thông xảy ra trên Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Tiền Giang là do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu, chạy quá tốc độ quy định.
Thượng tá Dũng cho biết: “Theo quy định, mỗi lái xe chỉ được lái liên tục 4 giờ mỗi ca nhưng do áp lực công việc nên họ thường chạy từ 8-10 giờ/ca. Do đó, họ buồn ngủ hoặc không còn minh mẫn để xử lý tình huống nên tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi. Cộng thêm việc nhà xe (nhất là xe dịch vụ du lịch) khi tài xế chưa kịp về đến nhà đã có hợp đồng đi chuyến khác và thúc hối, tài xế phải căng mình ra làm việc, phải phóng nhanh, vượt ẩu để không bị mất việc”. |
Chủ xe chỉ việc biết tính thời gian xe khởi hành cho đến địa điểm giao hàng mà bất chấp nguy hiểm cho lái xe”.
Theo anh Giang, cánh tài xế đi trên đường ngoài việc lái xe căng thẳng còn phải luôn nghe điện thoại từ cánh tài xế khác cùng chủ xe để biết điểm CSGT đóng chốt mà đối phó. Chính vì thế mà tai nạn luôn chực chờ nếu chỉ một phút lơ là.
Mất ngủ triền miên
Không ít lần tâm sự với chúng tôi về áp lực công việc mình phải gánh mỗi ngày, anh N.V.Đ, từng làm tài xế chạy xe tải cho một doanh nghiệp tại quận Bình Tân - TPHCM, cho biết: Mỗi ngày, anh thức dậy từ 3 giờ, lái xe đến chợ đầu mối Bình Điền lấy hàng rồi đi các tỉnh lân cận, một chuyến hàng cũng mất gần cả ngày; về nghỉ ngơi, tắm rửa, chưa kịp nuốt chén cơm lại sắp đến giờ lấy hàng.
Tình trạng mất ngủ triền miên khiến anh luôn mệt mỏi, mất tập trung khi cầm vô lăng. Khẽ rùng mình, anh Đ. nói: “Có lần buồn ngủ không chịu nổi, đến đoạn đường vắng, tôi định chợp mắt một chút cho tỉnh, không ngờ khi mở mắt ra suýt tông vào trụ đèn. Sau lần đó, tôi đã bỏ nghề”.
Áp lực cả về công việc lẫn thời gian là cánh tài xế xe container. Anh Tr., lái container cho một doanh nghiệp tại quận Thủ Đức - TPHCM, ngao ngán: “Chúng tôi làm việc bất kể thời gian, chỉ biết chạy “đua” theo chuyến hàng của chủ, có khi hàng về cảng nhiều, xe mình về không kịp do kẹt xe hay tai nạn là phải bồi thường cho chủ vì lỡ chuyến hàng.
Để không phải bị đuổi việc hay bồi thường, hầu hết tài xế đều cố “đua” cho kịp giờ vào cảng. Ngoài ra, do công việc của các tài xế xe container là “thức đêm ngủ ngày”, trái với quy luật tự nhiên, nên cảm giác thèm ngủ luôn chực chờ. Kẹt xe là tranh thủ chợp mắt”.
Anh Tr. bật mí: “Có bác tài gan lắm, giao tay lái cho phụ xe để chợp mắt, vì vậy chuyện tông vào dải phân cách, tông vào nhà dân cũng không phải hiếm”.
Nhiều tài xế làm việc gần cảng Sài Gòn cũng cho biết: Chuyện tài xế giao vô lăng cho phụ xe, chưa có bằng lái là chuyện thường. Khi họ buồn ngủ hoặc đến đoạn đường vắng, cảm thấy ít nguy hiểm là phụ xe có dịp “trổ tài”.
Chưa kể, nhiều tài xế còn sử dụng ma túy, lúc lên cơn trong người bứt rứt, mắt mờ, tay run, người tỉnh táo còn gắng tấp vô lề để chờ qua cơn, người liều mạng chạy thật nhanh để đến điểm mua hàng. Lúc này là lúc dễ xảy ra tai nạn nhất.
Kỳ tới: Quản chặt, xử nghiêm
Bình luận (0)