Nguyên nhân ban đầu khiến 8 người tử vong, hơn 30 người nhập viện cấp cứu - trong đó 13 người vẫn còn lọc máu ở bệnh viện (BV), sau khi ăn uống tại một đám tang tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu được cơ quan chức năng xác định là do ngộ độc rượu chứa methanol.
Chén rượu đổi mạng
Chiều 16-2, ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu, xác nhận ca tử vong mới nhất xảy ra ngày 15-2. Trường hợp này là do chủ quan, không đến cơ sở y tế chữa trị, khi gia đình đi làm nương về thì phát hiện đã tử vong tại nhà.
Sau khi xảy ra vụ việc, huyện Phong Thổ đã tổ chức 4 đoàn công tác đến rà soát từng hộ gia đình tại bản Tả Chải và khu vực lân cận để xác định những người tham gia đám tang; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân khi có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thì sớm đến cơ sở y tế. Theo Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Hà Nội), kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của 10 người đang điều trị tại bệnh viện cho thấy 1 ca âm tính, 1 ca nồng độ thấp và 8 ca nồng độ rất cao.
Cách đây hơn 3 năm, tại Quảng Ninh từng xảy ra vụ ngộ độc rượu methanol khiến 6 người tử vong, 15 người khác nhập viện. Cả 21 người đều sử dụng cùng một loại rượu. Loại rượu này đã được lấy mẫu xét nghiệm và xác định chứa hàm lượng methanol cao gấp gần 2.000 lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Mới đây, trước Tết nguyên đán 2017, tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, 4 người đã nhập viện cấp cứu do ngộ độc methanol và tất cả đều tử vong. Trong đó, 3 nạn nhân ở Hà Nội cùng uống rượu tại một khu vực và được đưa vào BV cấp cứu trong tình trạng nguy kịch vì hôn mê, ngừng tim, tụt huyết áp, tổn thương thận, tổn thương não. Xét nghiệm cho thấy hàm lượng methanol trong máu của 3 người rất cao, vượt 120 mg/dl máu.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai, cho biết thời gian qua, trung tâm thường xuyên tiếp nhận các trường hợp ngộ độc rượu chứa methanol. Kết quả xét nghiệm phát hiện hàm lượng methanol trong máu bệnh nhân thường cao hơn ngưỡng cho phép từ hàng chục đến hàng trăm lần. Trong khi đó, chỉ với mức trên 20 mg/100 ml máu, methanol đã gây ngộ độc. “Đáng nói là theo khảo sát của trung tâm, gần 85% bệnh nhân cho biết không rõ về loại rượu đang uống” - bác sĩ Nguyên lo ngại.
Theo bác sĩ Nguyên, methanol là hợp chất hóa học có độc tính cao, bị cấm sử dụng chế biến thực phẩm, pha chế rượu. Tuy nhiên, việc sử dụng chất này để pha chế rượu vẫn tràn lan và vì thú vui mà nhiều người phải bỏ mạng.
Len lỏi khắp nơi
Rượu pha methanol (còn gọi là rượu cồn công nghiệp) giống hệt rượu gạo truyền thống nên người dùng khó phân biệt. Biểu hiện say khi uống loại rượu này cũng khá giống với rượu, bia thông thường. Do đó, rượu cồn công nghiệp độc hại dễ dàng len lỏi khắp nơi.
Hậu quả mà “sát thủ” methanol gây ra là cực nhanh. Nếu ngộ độc methanol, người uống sẽ bị hôn mê, tụt huyết áp, trụy mạch, mù mắt và tử vong. Không ít người đã chết ngay trên bàn nhậu. Nhiều trường hợp người nhà phát hiện hôn mê, đưa đi BV thì tình trạng cũng đã rất nặng, thường để lại di chứng thần kinh không có cơ hội phục hồi hoặc tử vong sau đó.
“Vô cùng nguy hiểm nếu uống phải rượu methanol! Bản thân chúng ta không loại trừ một ngày nào đó cũng có thể uống phải loại rượu pha cồn công nghiệp này nhưng vẫn nghĩ rằng đó là “rượu quê”. Do đó, các cơ quan chức năng phải vào cuộc truy nguồn gốc của những sản phẩm này” - một bác sĩ cảnh báo.
Theo thống kê của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, từ năm 2007-2015, cả nước ghi nhận 50 vụ ngộ độc rượu khiến 285 người mắc và 87 người tử vong. Trong đó, 12 vụ ngộ độc rượu gạo tự nấu làm 86 người mắc, 28 người tử vong; 11 vụ ngộ độc rượu giả, pha methanol cao khiến 91 người mắc, 30 người tử vong.
Dựa trên các nghiên cứu, Bộ Y tế khuyến cáo nếu uống 10 ml methanol sẽ bị mù mắt, 40 ml có thể chết người. Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được ôxy hóa thành axít formic (formate). Nồng độ axít formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào, gây thiếu ôxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt...
Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim. Nếu sử dụng rượu có nồng độ methanol cao thì người uống có thể tử vong sau vài ba chén.
Rượu tự nấu chiếm 90%
Kết quả nghiên cứu về tình hình lạm dụng rượu bia ở Việt Nam của Viện Chiến lược và Chính sách y tế ở Việt Nam cho thấy có tới 95,7% người sử dụng rượu thường uống rượu tự nấu và hơn 90% người thích uống rượu tự nấu. Rượu tự nấu hiện chiếm tới 90% lượng rượu tiêu thụ trong nước, tương đương 250 triệu lít/năm và con số này tăng 8%-10%/ năm.
Bình luận (0)