Theo ghi nhận của phóng viên, những ngày gần đây, do mưa nhiều kết hợp với triều cường làm mực nước trên sông Tiền, sông Hậu và các tuyến kênh nội đồng đang dâng cao từng ngày.
Nước liên tục dâng cao
Ông Dương Văn Tỷ, một lão nông ở xã Phú Hữu (huyện An Phú, tỉnh An Giang), cho biết do khu vực này nằm gần tuyến kênh Bảy Xã (tiếp giáp với Campuchia) nên thường đón những đợt lũ đầu tiên trước khi chảy vào sông Châu Đốc rồi ra sông Hậu. Ông Tỷ ước tính nước trên tuyến kênh này liên tục dâng cao, bình quân khoảng 10 cm/ngày. Tuy nhiên, hiện các cánh đồng ở khu vực này vẫn chưa ngập nước nên bà con nông dân tranh thủ thu hoạch phần rau màu còn sót lại.
"Theo tôi đoán, nước lũ năm nay sẽ cao hơn năm ngoái vì chưa bước qua tháng 7 âm lịch mà nước dưới kênh đã bắt đầu mấp mé ruộng lúa rồi. Tôi cũng hy vọng năm nay có mùa lũ lớn để dân nghèo có kế sinh nhai" - ông Tỷ nói.
Nước lũ đã tràn về một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long
Còn anh Lê Văn Xíu (xã An Phú, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vừa sang Campuchia đăng ký thuê mặt nước trên các cánh đồng giáp biên giới để chuẩn bị đặt đú khai thác cá với tổng chi phí 125 triệu đồng. Phần mặt nước được thuê dài hơn 4 km, ngang gần 1 km. Với diện tích này, anh Xíu sẽ đặt hơn 40 miệng đú (mỗi miệng có đường đăng dài gần 100 m). Theo quy định của cơ quan chức năng địa phương, anh Xíu phải đưa trước 50% tiền thuê, số còn lại đưa dứt điểm sau 15 ngày đặt đú.
"Hiện đa phần cánh đồng dọc tuyến kênh Vĩnh Tế từ TP Châu Đốc đến huyện Tịnh Biên vẫn chưa ngập. Chỉ riêng một vài nơi ruộng sâu, nước tràn vào được khoảng 40-50 cm. Một số người đã đặt đú biển kiếm mớ cá, cua, ốc ở những nơi ngập sâu nhưng thu nhập cũng chưa được bao nhiêu. Nếu mưa tiếp tục kéo dài như mấy ngày nay thì chắc chắn không bao lâu nữa tôi có thể đặt đú" - anh Xíu chia sẻ.
Bảo vệ hoa màu
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang, trong những ngày qua, do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp suy yếu từ bão số 2, kết hợp với hoạt động của trường gió Tây Nam có cường độ trung bình đến mạnh, gây mưa lớn ở khu vực thượng nguồn sông Mê Kông nên mực nước trên sông Mê Kông đang lên nhanh. Hiện mực nước cao nhất vào ngày 18-7, trên sông Tiền tại Tân Châu là 2,14 m, trên sông Hậu tại Châu Đốc là 1,93 m, cao hơn cùng kỳ năm 2016 từ 0,35-0,5 m và cao hơn cùng kỳ năm 2011 từ 0,05-0,1 m nhưng thấp hơn năm 2000 từ 0,5-1,3 m.
Hiện nay, mực nước thượng nguồn tại khu vực sinh lũ Pakse - Kratie lên nhanh và kết hợp với kỳ triều cường cuối tháng 6 âm lịch, mực nước khu vực đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc sẽ lên nhanh trong những ngày tới với cường suất bình quân từ 10-15 cm/ngày. Đến cuối tháng 7-2017, mực nước cao nhất trên sông Tiền tại Tân Châu có khả năng lên mức 2,75 m, thấp hơn mức báo động 1 là 0,75 m; trên sông Hậu tại Châu Đốc lên mức 2,55 m, thấp hơn mức báo động 1 là 0,45 m. Riêng khu vực hạ nguồn sông Cửu Long tại huyện Chợ Mới và TP Long Xuyên, đỉnh triều cao nhất sẽ diễn ra trong tuần cuối tháng 7 và có khả năng đạt mức cao hơn báo động 1. Sau đó, mực nước còn diễn biến phức tạp.
Trước tình hình trên, Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm thắng lợi vụ lúa thu - đông (vụ 3). Theo đó, An Giang sẽ cho nạo vét kênh mương, gia cố đê bao, duy tu sửa chữa cống bọng với tổng cộng hơn 421 tỉ đồng. Cùng với đó là công tác phòng chống, khắc phục thiên tai; quản lý, vận hành công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.
Ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, cho rằng tình hình thiên tai, dịch bệnh năm nay đang diễn biến phức tạp nên không thể chủ quan, nhất là đối với vùng ngoài đê bao thì kiên quyết không để nông dân xuống giống. Do đó, diện tích lúa vụ 3 sắp tới sẽ phải cắt giảm khoảng 10.000 ha đối với những vùng không "ăn chắc". Ông Thư cũng yêu cầu các địa phương nên theo dõi sát sao các công trình thủy lợi, trực lũ 24/24 giờ, cập nhật thông tin khí tượng thủy văn để có ứng phó kịp thời khi lũ lớn xảy ra.
Cấm khai thác cá linh non
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang vừa có văn bản yêu cầu UBND các huyện, thị, TP thực hiện đúng về thời gian đấu giá khai thác thủy sản theo quy định. Thời gian cấm khai thác cá linh được bắt đầu từ ngày 1-6 đến 30-8. Ngư dân chỉ được khai thác sau thời gian này và theo sự hướng dẫn của ngành chức năng sau khi thực hiện phân luồng giao thông đường thủy. Riêng đối với tuyến kênh Bảy Xã, các địa phương không được khai thác thủy sản bằng cách đặt đáy để hạn chế tình trạng sạt lở, nhất là khu vực giáp ranh giữa huyện An Phú và thị xã Tân Châu.
Bình luận (0)