Sáng 1-12, Chi Cục phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung- Tây Nguyên, cho biết lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định đã đạt đỉnh và và đang dao động ở mức cao; sông Kôn (Bình Định) đang lên. Mực nước lúc 4 giờ ngày 01/12 trên các sông như sau: Sông Trà Khúc tại Trà Khúc 4,80m, dưới BĐ2: 0,20m; Sông Vệ tại Sông Vệ 4,82m, trên BĐ3: 0,32m; Sông Lại Giang tại Bồng Sơn 5,84m, dưới BĐ1: 0,16m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa 7,21m, trên BĐ2: 0,21m.
Dự báo, trong 12 giờ tới, lũ trên các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định dao động ở mức cao. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại vùng trũng các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định. Trong khi đó, hiện nay, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao nên ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và phía Bắc Tây Nguyên đã có mưa vừa, riêng Quảng Nam đến Bình Định có mưa to đến mưa rất to với tổng lượng mưa 24 giờ qua (tính đến 01 giờ ngày 01/12) phổ biến 100-200mm.
Đến thời điểm này hầu hết các hồ chứa của các tỉnh Bắc Trung Bộ có mực nước xấp xỉ MNDBT, trung bình đạt từ 80-90% dung tích thiết kế. Hiện có 06 hồ đang vận hành xả qua cửa van: Quảng Bình: 02 hồ (Vực Tròn, Phú Hòa); Quảng Trị: 03 hồ (Kinh Môn, Tân Kim, Phú Dụng); Thừa Thiên- Huế: 01 hồ (Châu Sơn). Riêng các hồ chứa của các tỉnh Nam Trung Bộ, trung bình đạt từ 75- 95% dung tích thiết kế. Các hồ chứa của các tỉnh Tây Nguyên có mực nước xấp xỉ MNDBT. Trung bình đạt từ 85-95% dung tích thiết kế. Một số hồ còn đạt mức thấp như: Đắk Loh 66% (Kon Tum), Ea Kao 70% (Đắk Lắk)... Có 04 của tỉnh Đắk Lắk đang vận hành xả qua cửa gồm: Ea Soup Thượng, Krông Buk Hạ, Buôn Yông, Vụ Bổn. Mực các hồ thủy điện của khu vực Miền Trung và Tây Nguyên đạt 80-95% DTTK. Các hồ hoạt động bình thường theo quy trình; tính đến 06h 01/12 có 03 hồ xả tràn, lưu lượng xả/lưu lượng về hồ (m3/s): A Lưới: 47/49, Sông Hinh: 250/304; An Khê: 250/298.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Chí Công – Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cho biết do nước sông dâng lên cộng với nước lũ trên thượng nguồn lại tràn về quá nhanh nên đã nhấn chìm nhiều khu dân cư trong huyện. Đặc biệt, hiện cả xã Hoài Sơn đang bị chia cắt hoàn toàn, nhiều nơi ngập sâu hơn 1m. “Hiện các lực lượng chức năng của huyện đang dồn sức dùng bao cát ngăn nước chảy qua các đoạn bờ sông để tránh sạt lở. Những hộ nào thiếu an toàn, chúng tôi quyết di dời đến nơi khác để đảm bảo tính mạng cho họ”, ông Công nói. Nằm bên cạnh huyện Hoài Nhơn, nhiều khu dân cư huyện An Lão cũng chìm sâu trong biển nước. Riêng tuyến tỉnh lộ ĐT629 nối liền giữa 2 địa phương này do bị ngập nước nên cơ quan chức năng đã quyết định cắm bản cảnh báo người dân hạn chế đi lại.
Trong khi đó, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường và hoàn lưu bão số 9, những ngày qua tuyến giao thông thủy nội địa nối đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) với đất liền phải tạm dừng hoạt động do biển động mạnh, tàu thuyền không được ra khơi.Trước diễn biến phức tạp của thời tiết tỉnh Quảng Ngãi đã có lệnh cấm biển, do đó mọi phương tiện tàu thuyền không được ra khơi trong điều kiện thời tiết xấu. Còn tại tuyến giao thông thủy nội địa nối đảo Lý Sơn với đất liền phải tạm dừng hoạt động, nhiều hành khách bị mắc kẹt tại 2 đầu bến Lý Sơn và Sa Kỳ. “Hiện trên đảo Lý Sơn còn khoảng 40 du khách đang bị kẹt lại đảo chưa thể về đất liền. Huyện cũng đã yêu cầu các chủ nhà nghỉ, khách sạn tạo điều kiện giảm giá phòng, tạo điều kiện ăn uống cho số du khách này trong những ngày thời tiết xấu”, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho biết.
Theo báo cáo nhanh của tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, tình hình thiệt hại ban đầu, tính đến sáng 1-12, như sau: Tỉnh Quảng Ngãi có 1 người mất tích (ông Nguyễn Đức Trọng, sinh năm 1983, ở huyện Sơn Tịnh, mất tích khi lội qua suối Nước Chạch, xã Ba Xa, huyện Ba Tơ bị nước cuốn trôi lúc 12 giờ 30 phút ngày 30-11). Tỉnh Bình Định, có 1009 nhà ở bị ngập (huyện Hoài Ân: 959 nhà, huyện Hoài Nhơn: 50 nhà), 3.095 ha lúa gieo sạ bị ngập, hư hại, 75 ha Hoa màu bị ngập, hư hại, 10 con gia súc và 1.050 con gia cầm bị chết, cuốn trôi. Đặc biệt, mưa lũ khiến 2.262m3 khối lượng đất, đá, bê tông bị sạt lở (Hoài Ân: 1.800m3, Vĩnh Thạnh: 462m3) và 2.200 m chiều dài kênh mương, đê kè bị sạt lở: (Hoài Ân).
Nhiều khu dân cư bị nước lũ cô lập. Ảnh: Tử Trực
Để đối phó với tình hình mưa lũ đang diễn biến phức tạp, nhiều địa phương đã huy động lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ hỗ trợ giúp di dời tài sản, vật dụng của người dân ở các khu dân cư bị ngập úng do mưa lũ. Tại huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), từ chiều 30-11, lực lượng thanh niên, dân quân đã hỗ trợ di dời khoảng 200 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu các vùng trũng thấp như xã Hành Nhân, Hành Dũng. Huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) cũng huy động hàng chục dân quân, thanh niên túc trực 24/24 sẵn sàng hỗ trợ di dời các hộ dân ở các vùng trũng ngập như xã Nghĩa Mỹ, Nghĩa Hiệp...
Bình luận (0)