xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mưa lũ uy hiếp nhiều nơi

Hồng Ánh - Lê Trường - Cao Nguyên

Lũ lên nhanh, nhiều tỉnh dù đã chuẩn bị các phương án phòng tránh nhưng thiệt hại vẫn rất nặng nề

Theo thống kê bước đầu của tỉnh Phú Yên, trong đợt mưa lũ đang xảy ra, địa phương đã có 3 người chết và 3 người mất tích. Ba người chết được xác định là Trần Thị Vịnh (24 tuổi; ở xã An Dân, huyện Tuy An), Nguyễn Hổ (17 tuổi; ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An) và ông Hồ Tân (68 tuổi; ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa).

Trong khi đó, 2 ngày qua, bà Nguyễn Thị Kim Phượng (ngụ phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) như ngồi trên lửa. Bà thẫn thờ trước cảnh con trai suốt ngày không chịu ăn uống, chỉ nhìn ra biển tìm cha.

Rạng sáng 3-11, ông Phan Sơn (chồng bà Phượng) cùng con trai Phan Nguyên Thi trên đường đi đánh cá trở về đến gần bờ thì bị nước lũ xuống mạnh đánh lật thuyền thúng. “Lúc đó, con vớ được cái cọc người ta cắm ngoài biển, tay kia chụp được ba. Nhưng cây cọc quá yếu, chực ngã. Ba biết vậy nên giật mạnh tay ra khỏi tay con để con được sống” - Thi nghẹn giọng. Thi được những thuyền đánh cá cứu sống sau đó, còn ông Sơn đến giờ vẫn chưa được tìm thấy.

Lũ tràn về, cả ngàn lồng tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chết trắng. Trong ảnh: Người dân thẫn thờ trước hàng đống tôm hùm sắp thu hoạch bị chết Ảnh: Hồng Ánh
Lũ tràn về, cả ngàn lồng tôm hùm nuôi ở thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên chết trắng. Trong ảnh: Người dân thẫn thờ trước hàng đống tôm hùm sắp thu hoạch bị chết Ảnh: Hồng Ánh

Bên ngôi nhà bị sập hoàn toàn, bà Nguyễn Thị Vinh (ngụ xã Xuân Cảnh, thị xã Sông Cầu) nước mắt lưng tròng. “Rạng sáng 3-11, nước lũ tràn vào. Vợ chồng tôi và đứa con nhỏ vừa chạy ra sân thì nhà đổ sập. Giờ cả gia đình phải ở nhờ nhà người bà con chứ biết làm sao” - bà Vinh rầu rĩ.

Thiệt hại nặng nhất về tài sản là những người dân nuôi tôm hùm, ốc hương ở đầm Cù Mông (thị xã Sông Cầu). Chỉ riêng tôm hùm ở đây có 16.000 lồng nhưng do nước ngọt bất ngờ tràn về, người dân không kịp di chuyển nên tôm chết gần hết. “Thiệt hại ở đây giống như năm 2007, phải đến cả trăm tỉ đồng” - ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, cho biết.

Ông Trương Văn Hải (xã Xuân Cảnh) nuôi hơn 400 con tôm hùm đã đến kỳ thu hoạch. “Chưa kịp gọi người đến bán thì giờ mất sạch. Đầu tư bao nhiêu tiền giờ xem như mất trắng” - ông Hải không cầm được nước mắt.

Đồng Xuân là huyện bị nước lũ gây ngập nặng nhất tỉnh Phú Yên. Chỉ riêng xã Xuân Sơn Bắc đã có hơn 1.000 nhà bị ngập sâu, phải di dời 600 hộ gia đình. Theo ông Đặng Ngọc Anh, Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, đến tối 4-11, huyện này vẫn còn 4 xã bị cô lập. Nhiều nơi, người dân sau khi di chuyển đến những chỗ cao, giờ phải trở về dù nước vẫn còn lớn. Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã chỉ đạo chi cho huyện Đồng Xuân 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả bước đầu.

Tại tỉnh Ninh Thuận, lũ mạnh từ thượng nguồn đổ về vùng hạ lưu cũng gây thiệt hại khá nặng. Hiện có 1 ngôi nhà ở xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn bị cuốn trôi; 18 căn ở xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc bị ngập sâu; nhiều khu phố của phường Tấn Tài, TP Phan Rang - Tháp Chàm ngập cục bộ nên người dân phải di dời đến nơi an toàn.

Tổng hợp báo cáo từ các địa phương ở Ninh Thuận cho biết đã có ít nhất hơn 1.000 ha lúa và hoa màu các loại bị chìm sâu trong nước; nhiều tuyến tỉnh lộ 701, 707, đường ven biển Cà Ná - Phước Dinh và đường liên thôn, liên xã bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều khu vực bờ tràn qua các sông suối ở những huyện vùng cao bị nước lũ nhấn chìm, chia cắt giao thông tại một số xã như Ma Nới (huyện Ninh Sơn), Phước Bình (huyện Bác Ái). Nghiêm trọng nhất là bờ sông Dinh, đoạn qua huyện Ninh Phước và TP Phan Rang - Tháp Chàm bị sạt lở nặng khoảng 1 km, nước đang uy hiếp các khu dân cư lân cận.

Ninh Thuận vẫn tiếp tục có mưa rất lớn, lượng mưa lên đến trên 100 mm ở hầu hết các địa phương; thậm chí có nơi đến 270 mm. Hơn 20 hồ thủy lợi đã đầy nước, tràn tự do nên các cơ quan chức năng dự báo lũ sẽ tràn về dữ dội hơn.

Tại tỉnh Đắk Lắk, nhiều khu vực dân cư của các huyện Krông Bông, Ea Kar, Krông Pắk, Ea Súp… bị nước lũ cô lập. Ông Y Thức Êban, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông, cho biết chiều 3-11, hơn 20 học sinh Trường Tiểu học Sơn Phong (xã Hòa Phong) trên đường đi học về thì bị nước lũ chia cắt phải ở lại nhà người dân. Sáng 4-11, lực lượng cứu hộ của huyện mới đưa các em về nhà. Hiện có gần 1.000 ha cây trồng của người dân bị ngập sâu trong nước.

Theo ông Hồ Văn Cư, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk), tại địa phương có khoảng 500 ngôi nhà bị ngập. Trong đó, nhiều nơi ngập sâu 1-2 m. Chiều 3-11, anh Đào Văn Hòa (26 tuổi, ngụ xã Cư Giang, huyện Ea Kar) trong khi đi bắt cá đã bị lật thuyền, tử vong.

“Hiện mực nước tại các sông đang tiếp tục dâng cao nên khả năng nhiều vùng sẽ còn ngập sâu” - ông Cư lo ngại.

TP HCM khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới

UBND TP HCM vừa có văn bản yêu cầu các sở - ngành, quận - huyện về việc khẩn trương triển khai các phương án phòng tránh, ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có khả năng ảnh hưởng đến TP.

Theo đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP HCM chủ trì phối hợp với UBND các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương thực hiện phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên địa bàn. Theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bằng mọi biện pháp sử dụng tất cả phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo cho các chủ phương tiện biết vị trí, tốc độ, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới. Tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ tàu thuyền hoạt động ven biển, cửa sông, các điểm xuất bến, các khu neo đậu tàu thuyền tại xã, thị trấn.

Tr.Hoàng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo